Sau đây là lược ghi cuộc trao đổi với nhà văn, dịch giả Thu Trang xoay quanh vấn đề dịch thuật và quảng bá tác phẩm văn học sau khi chị vừa trở về từ thủ đô Hà Nội.
- P.V: Xin chị cho biết những hoạt động chính chị đã tham gia tại Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần này?
- Nhà văn Thu Trang: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III với chủ đề Văn học Việt Nam, biểu hiện rực rỡ của khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc con người và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ II cùng sự tham dự của 151 đại biểu đến từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 100 nhà văn, nhà thơ, dịch giả Việt Nam. Đậy là cuộc hội ngộ văn hóa lớn diễn ra trong thời gian khá dài, với những buổi hội thảo bổ ích, là dịp để chúng tôi được tiếp xúc, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè trong nước và quốc tế.
- P.V: Việc có mặt ở hoạt động văn học mang tầm quốc tế như thế này đã giúp ích gì đối với công việc sáng tác, dịch thuật của chị?
- T.T: Đây là lần thứ hai tôi được tham dự Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam. Qua mỗi lần hội nghị, chúng tôi có thêm những kinh nghiệm bổ ích trong việc mở rộng mối quan hệ bè bạn, tiếp cận với xu hướng văn học các nước, không chỉ riêng tôi, những nhà văn, dịch giả Việt Nam càng có ý thức đối với ngòi bút của mình trong việc đạt đến các giá trị chân thiện mỹ, cái đích mà văn học nhân loại đã và đang hướng tới.
- P.V: Theo chị, việc giới thiệu những thành tựu của văn học thế giới vào Việt Nam cũng như quảng bá tác phẩm văn học trong nước ra thế giới hiện nay đang có những thuận lợi và bất cập như thế nào?
- T.T: Một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận là các tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài còn rất ít. Những tên tuổi lớn văn học cổ điển như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đã được dịch ra nhiều nước, văn học đề tài chiến tranh cũng đã được quảng bá khá phổ biến. Tuy nhiên, các tác phẩm đương đại phản ánh những đổi thay trong đời sống của một đất nước Việt Nam đổi mới và hội nhập còn quá ít ỏi trên giá sách của các thư viện lớn ở các nước. Bên cạnh đó, việc giới thiệu những tinh hoa, trào lưu văn học thế giới vào Việt Nam cũng còn hạn chế…
Nhà văn Thu Trang (bìa trái) cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa
và Phan Thị Thanh Nhàn tại Hội nghị
- P.V: Vậy, theo chị, để quảng bá văn học Việt Nam, cũng như đưa văn học thế giới đến Việt Nam tốt hơn cần có những giải pháp nào?
- TT: Tham gia Hội nghị lần thứ 3 này có nhiều nhà văn giữ chức vị quan trọng trên văn đàn quốc tế như: Nhà văn M. Salmawy - Tổng thư ký Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập; Nhà thơ Rati Saxena - ĐH Kerala, Giám đốc Liên hoan thơ Kritya (Ấn Độ); Nhà thơ Andrzej Grabowski - Ủy viên BCH Hội Nhà văn Ba Lan, Giám đốc Liên hoan thơ Galicja, TBT Tạp chí Tia lửa; Nhà thơ Fernando Rendon - Giám đốc Liên hoan thơ quốc tế Medellin, Tổng giám đốc điều phối viên phong trào thơ ca quốc tế (Colombia); Nhà văn Oleg Bavykin - Chủ tịch Ban đối ngoại Hội Nhà văn Nga, Chủ tịch đối ngoại Hội Nhà văn Á - Phi (LB Nga); Nhà thơ, dịch giả văn học Việt Kevin Bowen - nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner Đại học Massachusetts, Boston (Hoa Kỳ)... Đó là những “cầu nối” rất hiệu quả trong quảng bá văn học từ hai phía.
Đa số ý kiến trong các buổi hội thảo cũng như những trao đổi bên ngoài hội nghị đều đi đến sự đồng thuận: Để có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài, và ngược lại, cần thiết phải giải quyết ba vấn đề. Một là có tác phẩm hay, hai là phải có dịch giả giỏi và ba là phải có tổ chức. Lâu nay một số tác phẩm của các nhà văn đương đại Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài, cũng như một số tác phẩm văn học nước ngoài dịch ra tiếng Việt đa phần bằng tư cách cá nhân nhà văn và dịch giả. Gần đây, Trung tâm dịch thuật của Hội Nhà Văn được thành lập với kỳ vọng kết nối, tổ chức dịch và xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài là một thuận lợi, nhưng hoạt động còn hạn chế…
Không thể chỉ trông chờ vào các dịch giả nước ngoài am tường tiếng Việt, mà phải phát huy khả năng của những dịch giả Việt Nam. Thực tế số dịch giả trong nước có khả năng chuyển dịch tác phẩm văn học Việt Nam sang các ngôn ngữ của thế giới không nhiều, và đa số đều trong độ tuổi “cổ lai hy”, trong khi đội ngũ dịch giả trẻ có trình độ nghề nghiệp cao chưa được bổ sung kịp thời. Vì vậy, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ thay thế là khâu trọng yếu, cần được quan tâm, vì không có dịch giả giỏi thì tác phẩm văn học dù hay đến đâu cũng khó có thể đi xa.
- PV: Là người nhiều năm gắn bó với công tác dịch thuật, chị đánh giá về lĩnh vực này ở Tiền Giang, nói rộng ra là ở khu vực ĐBSCL hiện nay ra sao?
- T.T: Người làm công tác dịch thuật văn học ở ĐBSCL nói chung và ở Tiền Giang nói riêng đếm trên đầu ngón tay, vì văn học mang tính đặc thù, dịch một tác phẩm văn chương là “sáng tác” lại tác phẩm ấy bằng tiếng mẹ đẻ, đòi hỏi nhiều yếu tố: sự am tường về văn hóa bản địa, thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm, và tất nhiên phải đạt đến độ rung cảm… không phải là công việc “chuyển ngữ” thông thường.
Bìa tập truyện ngắn dịch“Người mẹ ở Mannville”
do nhà văn Thu Trang dịch vừa phát hành
- P.V: Xin chị cho độc giả đôi chút thông tin về tập truyện ngắn dịch “Người mẹ ở Mannville” vừa được ấn hành.
- T.T: Đây là tập hợp các tác phẩm của các nhà văn khắp các châu lục mà tôi yêu thích. Đa số là những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn quốc tế với những giải thưởng danh giá, bên cạnh cũng có những nhà văn trẻ, đương đại…
- P.V: Xin cám ơn nhà văn Thu Trang! Chúc chị sẽ có thêm nhiều sáng tác mới và những tác phẩm dịch sẽ trình làng trong thời gian tới.
Lê Văn (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn