Hội thảo có hơn 300 đại biểu là các nhà quản lý, nghiên cứu về du lịch, lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp làm du lịch trong khu vực tham dự.
Nội dung hội thảo tập trung thảo luận nhằm thiết lập chiến lược liên kết phát triển du lịch; nhận diện rõ thế mạnh và hạn chế; phân tích các khả năng tiếp cận và loại trừ vào chuỗi giá trị du lịch; đề xuất các định hướng liên kết và phát triển du lịch, đảm bảo tính khả thi, hiện đại, chuyên nghiệp và bền vững cho tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch Trà Vinh với các tỉnh trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long trong việc hình thành các sản phẩm du lịch, tuyến du lịch; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng.
Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia về du lịch xoay quanh chủ đề phân tích tiềm năng, thực trạng, dự báo xu thế, nhu cầu hưởng thụ du lịch và khả năng liên kết vùng trong việc kiến tạo dịch vụ, sản phẩm du lịch của không gian bốn tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Theo các chuyên gia, bốn tỉnh có những điểm chung và riêng khác biệt, nếu được liên kết tốt và hệ thống dịch vụ tốt sẽ là điều kiện lý tưởng để tạo nên các tour du lịch hấp dẫn, thu hút khách.
Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, điểm nổi bật của tiểu vùng duyên hải phía Đông là tài nguyên nước rất dồi dào, diện tích mặt nước chiếm 22,3% tổng diện tích tự nhiên, toàn vùng có 162 km bờ biển cùng với hệ thống cồn, cù lao phong phú. Ngoài ra, đây cũng là vùng có tiềm năng về du lịch văn hóa với những lễ hội và hệ thống di sản văn hóa đặc trưng của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Sự hòa quyện của ba dân tộc đã tạo nên bản sắc văn hóa, kiến trúc lăng tẩm, đền chùa có nhiều nét riêng độc đáo. Đó là thế mạnh để các địa phương khai thác những loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch biển, trải nghiệm làng nghề… phục vụ du khách.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, các tỉnh trong vùng cần chú trọng liên kết theo hướng cùng quy hoạch thế mạnh tiềm năng phát triển du lịch để tài nguyên trong vùng không bị phá vỡ, tránh trùng lắp về sản phẩm; đồng thời, phối hợp xây dựng hệ thống thông tin và cơ chế thông thoáng để hỗ trợ các nhà đầu tư trong hoạt động du lịch chứ không nên trông chờ vào địa phương khác… Tổng cục Du lịch cam kết hỗ trợ xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến của các địa phương trong vùng tới các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, các địa phương cũng lưu ý phải tăng cường quản lý điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hạ tầng giao thông, xác định sản phẩm độc đáo.