Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Gianghttps://tuyengiaotiengiang.vnpttiengiang.vn/uploads/screenshot_1_5.png
Thứ tư - 12/07/2023 05:00
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Chợ Gạo có 5.618 đoàn viên sinh hoạt ở 345 chi đoàn trực thuộc. Bằng ý chí, dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động, sản xuất, những năm gần đây, nhiều đoàn viên, thanh niên ở huyện Chợ Gạo đã khởi nghiệp xây dựng và phát triển các mô hình phát triển kinh tế khác nhau. Các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ không chỉ giúp bản thân đoàn viên, thanh niên có việc làm ổm định, tăng thu nhập, mà còn góp phần xây dựng, nâng cao vị thế của tổ chức Đoàn trong hệ thống chính trị; khẳng định vai trò của đoàn viên trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng nông thôn mới.
Xác định đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt trong lao động sáng tạo phát triển kinh tế, các tổ chức Đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nghề và hướng nghiệp, giúp thanh niên tiếp cận các chương trình vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay tổng dư nợ tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện đạt 30 tỷ đồng cho 844 thanh niên vay; 19/19 cơ sở xã, thị trấn có 27 tổ tiết kiệm vay vốn.
Mỗi năm, Ban Thường vụ huyện đoàn Chợ Gạo phối hợp tổ chức 07 lớp dạy nghề ngắn hạn cho đoàn viên, thanh niên tham gia, trên 30 cuộc chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để thanh niên ứng dụng vào sản xuất. Phối hợp tổ chức giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lượt đoàn viên, hội viên, thanh niên làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài huyện; ngoài ra phối hợp với phòng Lao động Thương binh và Xã hội giới thiệu cho thanh niên cho các công ty đưa đi lao động ở nước ngoài chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện Đoàn trao 50 sổ tiết kiệm vay vốn; trao sổ khởi nghiệp hỗ trợ thanh niên phát triển dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Có điều kiện tiếp cận với khoa học, kỹ thuật và nguồn vốn ưu đãi, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi.
Năm 2010 Lê Tấn Thanh Bình, sinh năm 1992, ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông đăng ký tình nguyện nhập ngũ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, cùng gia đình phát triển kinh tế với nghề mua bán, trồng dừa và bưởi da xanh. Tuy nhiên, với niềm đam mê trồng cây cảnh nên Bình đã xin cha 3 công đất trồng cây dừa và bưởi da xanh chuyển sang trông cây mai vàng, sau thời gian nhận thấy việc mua bán cây mai vàng ngày càng khó khăn cộng với vùng bị ngập mặn hàng năm nên nguồn nước tưới cho cây mai vàng không thích hợp. Với nguồn vốn 10 triệu đồng, qua nghiên cứu, tìm hiểu trên báo, đài và biết được ở Ninh Thuận có giống linh sam nên Bình liên hệ mua về trồng, cây phát triển rất tốt, tuy nhiên cây có nhiều gai nên rất khó cho việc chỉnh sửa, tạo dáng, may mắn lúc này Bình gặp được người thầy, thấy Bình tâm đắt với cây linh sam nên đã chia lại tất cả vườn linh sam trong đó có giống linh sam hồng ngày nay, nó có nhiều tính năng đột biến như là ít giai, lá tròn, bông thơm, lâu tàn, màu đột biến nên Bình đã nhân giống bằng cách chiết, ghép cành và tạo ra những cây thành phẩm. Với nguồn vốn từ những ngày ngày đầu khỡi nghiệp cộng với nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, Bình đầu tư nhân giống cây linh sam nhiều hơn. Qua hơn 4 năm trồng và mua bán cây linh sam hồng đột biến đã tạo cho Bình nguồn thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng/tháng hiện nay.
Tích góp vốn Bình mua thêm được hơn 02 công đất để tiếp tục phát triển trồng cây linh sam hồng rể nôm, cây có bộ rể dài hơn 50 cm, số lượng cây lớn hiện tại hơn 600 cây để nuôi lâu dài và Bình cũng đã đăng ký thương hiệu bảo hộ về giống linh sam hồng.
Hiện nay vườn linh sam của Bình có khoảng 10.000 cây linh sam hồng, linh sam tím chùm, linh sam trắng phớt hồng. Bình đang tiếp tục phát triển và nhân giống cây sam hương. Mô hình trồng linh sam của Lê Tấn Thanh Bình, xã Xuân Đông là một điển hình cho sự năng động của tuổi trẻ trong lập thân, lập nghiệp.
Lê Tấn Thanh Bình chia sẻ thêm: “Nhằm tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, niềm đam mê cây kiểng đến các bạn đoàn viên thanh niên trong địa phương bản thân Bình sẵn sàng hỗ trợ cây giống với giá ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẽ kinh nghiệm và tìm đầu ra cho cây linh sam tạo thu nhập ổn định cho các bạn đoàn viên, thanh niên góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn xã Xuân Đông, góp phần đưa kinh tế ngày càng phát triển hơn”.
Nhờ nguồn vốn khỡi nghiệp của thanh niên, anh Nguyễn Chí Công, ấp Bình Phú, xã Bình Ninh khởi nghiệp với vài con dê giống, tuy giá cả có lúc bấp bênh nhưng so với các loại vật nuôi khác phải tốn nhiều chi phí, nuôi dê chủ yếu lấy công làm lời, tận dụng diện tích đất để trồng cỏ chăn nuôi, mô hình nuôi dê mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn. Chăn nuôi dê tại nhà cộng với làm thuê hàng ngày, có thời gian rãnh anh Công đều sắp xếp cùng tham gia các hoạt động thanh niên với xã đoàn Bình Binh. Nguyễn Chí Công là bí thư chi đoàn ấp Bình Phú tiêu biểu trong các phong trào Đoàn Hội. Từ nguồn vốn khởi nghiệp thông qua tổ chức đoàn, anh Nguyễn Văn Lụa, xã Phú Kiết chọn cây dừa mã lai làm kinh tế chính kết hợp trồng xen chanh bông tím. Sau 04 năm trồng, cây dừa đã cho trái mang lại nguồn thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng mỗi tháng cho gia đình. Với anh, điều quan trọng là thanh niên có sự cần cù lao động, sáng tạo, chịu khó thì sẽ thành công.
Với niềm đam mê nuôi cá lia thia, cá bảy màu, ban đầu anh Nguyễn Văn Trí,ấp Trường Xuân B, xã Thanh Bình chỉ nuôi vài cặp chơi kiểng, sau thấy cá phát triển và sinh sản nhanh, anh mở rộng diện tích nuôi dần dần và phát triển thêm các loại cá cảnh khác như: cá 3 đuôi, cá bing bông Từ vài thùng xốp lúc ban đầu, đến nay anh nhân rộng mô hình với hơn 30 hồ nuôi, mỗi hồ từ 3 đến 4 m2 được anh Trí đặt trong vườn dừa mã lai của gia đình. Hiện nay, anh bán cá kiểng chủ yếu cho các thương lái tại TP. Hồ Chí Minh. Anh Trí tìm hiểu quy trình nuôi cá và kỹ thuật chăm sóc cá kiểng từ mạng xã hội và đang tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, đoàn viên Huỳnh Văn Hiếu, ấp Thạnh Thới, xã An Thạnh Thủy đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, tìm cho mình hướng đi riêng trong phát triển kinh tế. Mô hình nuôi Dúi và gà đen H’Mông của anh hiện đang mở ra nhiều triển vọng phát triển mới. Có niềm yêu thích đặc biệt với con Dúi, anh đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về con vật này. Đầu năm 2023, với số vốn tích lũy cùng sự góp sức của bạn bè, anh bắt đầu nuôi và quyết tâm thực hiện mô hình nuôi Dúi đã ấp ủ từ lâu. Anh xây dựng chuồng trại và mua 200 cặp Dúi giống về nuôi. Dúi ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn, ngủ ngày, ăn về đêm. Thức ăn ưa thích của Dúi là cây tre, dòng họ cây tre, thức ăn bổ sung như là mía, ngô, sắn, cỏ voi để cấp nước. Được xem là đặc sản của vùng núi, thịt Dúi thơm, ngon, mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cao, anh Hiếu hy vọng tiêu thụ Dúi sẽ thuận lợi trong tương lai.
Thịt Gà Đen thơm, ngon, đặc biệt được chăn nuôi tại vùng núi cao, khí hậu lạnh, ăn các loại thức ăn tự nhiên như ngô, rau, củ, quả.... do đồng bào Mông tự làm và chăn thả trong vườn, ven đồi, dưới tán rừng quanh nhà nên thịt Gà Đen rất bổ dưỡng, nhiều chất dinh dưỡng. Để nhân giống gà đen H’Mông, anh lặn lội đến tận vùng núi rừng Tây Bắc để chọn những con gà giống mang về Chợ Gạo nhân đàn. Sau vài tháng nuôi, được chăm sóc tốt đàn gà thích nghi tốt với vùng đất Chợ Gạo. Anh Huỳnh Văn Hiếu bộc bạch: “Dúi và gà đen H’Mông có thể chế biến thành nhiều món ngon phục vụ khách du lịch, do vậy mong ước của Huỳnh Văn Hiếu là có thể chăn nuôi thành công, mở rộng đàn dúi và gà đen nhằm sớm thực hiện ước mơ có thể kết nối du lịch tại địa phương mình”.
Phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ huyện Chợ Gạo được triển khai sâu rộng tới các cơ sở Đoàn, đã và đang nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở, nhiều đoàn viên, thanh niên sẽ có việc làm ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp của thanh niên hiện nay, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tiềm ẩn không ít khó khăn, thử thách. Ở nhiều địa phương, phần lớn các mô hình kinh tế thanh niên quy mô còn nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh đơn lẻ, manh mún, chưa chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa nghề và hình thức liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp, nguồn vốn còn hạn chế để thanh niên mở rộng quy mô sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Thị Kiều Phương, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Chợ Gạo chia sẻ thêm: “Thời gian tới, để phong trào khỡi nghiệp lập nghiệpcủa thanh niên ngày càng phát triển bên cạnh sự nỗ lực của chính các bạn các bạn đoàn viên thanh niên, sự đồng hành của tổ chức Đoàn, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp các ngành. Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ tiếp tục có chương trình dự án để tếp tục đồng hành hỗ trỗ các bạn, phối hợp các ngành tranh thủ thêm công tác đào tạo nghề, có thêm nguồn vốn để những ý tưởng khỡi nghiệp của thanh niên sớm trở thành hiện thực”.
Những bước đi đầu tiên của các mô hình nông nghiệp của đoàn viên thanh niên huyện Chợ Gạo thêm một lần nữa khẳng định, thanh niên nông thôn hoàn toàn có thể lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng ngay trên chính mảnh đất quê hương. Tin tưởng rằng, những hoài bão, ước mơ và cả những nỗ lực của những thanh niên sẽ sớm thành công và trở thành điểm sáng cho tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ Chợ Gạo.