Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 cuộc ngừng việc tập thể và đình công không đúng trình tự pháp luật. So với các năm trước, những tháng đầu năm 2013 các cuộc đình công có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp hơn, thời gian đình công kéo dài, số lượng người tham gia đông.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đình công, trong đó nguyên nhân từ phía một số doanh nghiệp là chưa quan tâm chăm lo cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần của người lao động; mức tiền lương trả cho người lao động thấp; chất lượng bữa ăn giữa ca kém, không bảo đảm sức khỏe cho người lao động; những qui định để được tiền thưởng chuyên cần khắt khe, không thuyết phục. Một số doanh nghiệp thiếu công khai, minh bạch trong thực hiện các chế độ cho người lao động; không thực hiện việc đối thoại với người lao động để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và giải thích hoặc giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng, phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp và đời sống của người lao động.
Về phía người lao động, do phần lớn là lao động phổ thông, xuất thân từ lao động nông nghiệp, trình độ học vấn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, chưa quen với cường độ lao động và tác phong công nghiệp; khi được tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp người lao động luôn phải làm việc với cường độ cao và tăng ca thường xuyên, trong khi thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống, vì vậy đã dẫn đến những hành động bộc phát khi bức xúc của họ không được xử lý.
Để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng đình công, các sở, ngành liên quan đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh nhiều giải pháp, trong đó tập trung cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật lao động và văn bản pháp quy có liên quan cho chủ doanh nghiệp và người lao động, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, từ đó thực hiện tốt các qui định của pháp luật. Đề nghị các doanh nghiệp chủ động và quan tâm chăm lo, cải thiện đời sống của người lao động trong khuôn khổ điều kiện cho phép của doanh nghiệp, tạo điều kiện làm việc thuận lợi; thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; chia sẻ, tìm kiếm tiếng nói chung trong xử lý lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích người lao động. Phối hợp giữa tổ chức Công đoàn và bộ phận nhân sự của doanh nghiệp trong tuyên truyền pháp luật cho đối tượng mới tuyển dụng để họ hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động được pháp luật qui định.