Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được nâng lên; kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện và kiên cố hóa; các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc, điện, nước được đầu tư xây dựng và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, thiếu đồng bộ. Phát triển nông nghiệp, nông thôn còn mang tính tự phát, sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa phát triển mạnh sản xuất hàng hóa. Lao động ở nông thôn còn thiếu việc làm, chất lượng lao động chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị còn cách biệt lớn. Một số vấn đề xã hội phát sinh, thậm chí bức xúc chậm được giải quyết, nhất là tranh chấp, khiếu kiện, tệ nạn xã hội gây mất trật tự ở một số nơi khu vực nông thôn,...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần khẳng định những quan điểm, chủ trương, chính sách và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là đúng đắn. Từ đó, tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thông suốt, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, các ngành, các cấp cần tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, nhất là kế hoạch, đề án về sử dụng đất đai, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông - lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp, dịch vụ nông thôn và các quy hoạch, đề án chuyên ngành,... cho phù hợp với yêu cầu phát triển; đồng thời, phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch, đề án, đảm bảo phát triển đúng hướng.
Thứ ba, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản; đồng thời, phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Rà soát, bổ sung quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng cánh đồng mẫu lớn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; đẩy mạnh điện khí hoá và cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất nông - ngư nghiệp; hiện đại hóa công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường và các cơ sở chế biến.
Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo quy hoạch gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa sau chế biến như lúa gạo, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu tại chỗ. Đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ nông thôn, đặc biệt là xây dựng chợ nông thôn bằng nguồn ngân sách của địa phương; phát triển du lịch sinh thái, tham quan vườn cây ăn trái, du lịch cộng đồng gắn với tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, văn hóa. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông - công nghiệp và dịch vụ.
Thứ tư, tiếp tục huy động các nguồn lực và bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, bao gồm giao thông, điện, hệ thống thủy lợi, nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin - truyền thông, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa - thể thao, các công trình liên quan đến việc cải thiện và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai; xây dựng kế hoạch thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Về xây dựng nông thôn mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc lập đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phát huy lợi thế của từng địa phương; thường xuyên rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Ưu tiên, tập trung các nguồn vốn cho 29 xã điểm; phấn đấu đến cuối năm 2015 có 10 xã đạt 19 tiêu chí quốc gia và 19 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Các ngành, các địa phương cần rà soát các chính sách hiện hành liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tiếp tục xúc tiến thực hiện hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; trước mắt tập trung vào các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ở địa bàn nông thôn, ưu đãi về tín dụng nông thôn, xây dựng chợ nông thôn, khuyến khích trí thức trẻ về công tác ở nông thôn, huy động đóng góp của nhân dân, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực môi trường, đào tạo nghề ở nông thôn,...
Thứ năm, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc ở nông thôn. Hàng năm, có kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo nghề và các chính sách giải quyết việc làm cho nông dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn như chương trình về nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, về giảm nghèo và giải quyết việc làm, về giáo dục, y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình, phòng chống một số bệnh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ma túy và các loại tội phạm ở địa bàn nông thôn...; các chính sách về an sinh xã hội, như bảo hiểm y tế đối với người nghèo, chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi, chế độ trợ cấp, cứu trợ cho gia đình chính sách và hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thiên tai, cấp học bổng cho học sinh nghèo,... Đẩy mạnh việc phát động thi đua thực hiện và nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thi đua xây dựng nông thôn mới, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn.
Thường xuyên theo dõi, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn; xem xét giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, đặc biệt là các vụ khiếu kiện kéo dài, các vụ cờ bạc, đá gà, tuyên truyền đạo trái phép, ô nhiễm môi trường,... không để xảy ra điểm nóng, gây mất ổn định ở nông thôn. Củng cố và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Thứ sáu, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nhất là ở cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực được nhân dân và doanh nghiệp quan tâm hoặc còn nhiều bức xúc, như các thủ tục về đất đai, xây dựng, đầu tư, đăng ký kinh doanh,... Tiếp tục hoàn thiện hoạt động của bộ phận một cửa, trọng tâm là một cửa cấp huyện và mô hình một cửa liên thông cấp tỉnh. Nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở, gắn cải cách hành chính với chương trình xây dựng nông thôn mới. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; từng bước nâng cao trình độ và trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở; thực hiện chính sách đưa 100 cán bộ trẻ được đào tạo, đủ tiêu chuẩn theo quy định về công tác ở các xã, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Kiên trì và quyết tâm thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở.
Tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn. Thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tinh thần yêu nước cho nông dân, tăng cường khối đại đoàn kết trong nông dân ở nông thôn, củng cố khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức vững chắc; tích cực vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Tiếp tục thực hiện dân chủ ở nông thôn để phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của nông dân, bảo đảm mọi việc phải đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở nông thôn phải dựa vào dân, vì dân phục vụ.
Việc triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên cần được tiến hành đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương; đồng thời, phải thường xuyên sơ kết, đánh giá những cách làm hay, những mô hình, điển hình tiên tiến đang thực hiện có hiệu quả, nhất là mô hình về phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp để phổ biến, nhân rộng; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và phê phán những tập thể, cá nhân chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.