Ngành trồng trọt khôi phục sản xuất khi trở lại bình thường mới

Thứ năm - 09/06/2022 00:42
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tỉnh phấn đấu đạt giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân 3-3,5%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng bình quân 12-16%/năm. Phương châm của địa phương là phục hồi sản xuất nông nghiệp đảm bảo bền vững theo chuỗi liên kết và phòng chống thiên tai một cách hiệu quả, không để thiệt hại; chủ động sản xuất trên các lĩnh vực cây trồng, vật nuôi phù hợp thời vụ, thị trường tiêu thụ, giải quyết đầu ra ồn định cho nông sản hàng hóa....

Thu hoạch vụ Đông Xuân ở các huyện phía Tây.
Thu hoạch vụ Đông Xuân ở các huyện phía Tây.
Trước mắt, địa phương vận động Nhân dân gieo trồng lúa đúng theo lịch thời vụ và cơ cấu giống hợp lý do ngành chức năng khuyến cáo trong từng vụ sản xuất; tích cực chăm sóc cây trồng, vật nuôi và phải đảm bảo các qui định trong điều kiện phòng dịch COVID-19. Mặt khác, hỗ trợ nông dân tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất cũng như tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn một cách thuận lợi, kiên quyết không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy khi trở lại trạng thái bình thường mới khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong đó, chú ý tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như: Dứa (khóm) vùng Đồng Tháp Mười, sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy), thanh long Chợ Gạo, sả và mãng cầu xiêm Tân Phú Đông, mít, cây ăn trái khác, lúa, rau màu, cây chất bột có củ mà chủ lực là khoai mỡ Đồng Tháp Mười...

Tỉnh tập trung mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân, các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương tổ chức lại sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản sau đại dịch gắn với xúc tiến thương mại cho nông sản chủ lực. Đặc biệt là khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với hệ thống phân phối, doanh nghiệp, các chợ đầu mối… trong việc thu mua và tiêu thụ nông sản cũng như vận động thành lập các tổ liên kết giữa các hộ sản xuất chuyên canh từng loại nông sản theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ các khâu thu hoạch, vận chuyển, lưu thông hàng hóa…

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại những sản phẩm nông sản thế mạnh có lợi thế cạnh tranh của địa phương, vận động các tổ chức, cá nhân không lợi dụng tình hình dịch bệnh mà ép giá nông dân khi thu mua các mặt hàng nông sản trên địa bàn. Ngành Nông nghiệp phối hợp cùng các ngành hữu quan tập trung kiện toàn mạng lưới thu mua nông sản gắn với tổ chức quảng bá sản phẩm, các chương trình kết nối cung cầu những mặt hàng nông sản; chủ động liên hệ với Sở Công Thương trong công tác xúc tiến thương mại, mời gọi các đối tác tiêu thụ lớn như: hệ thống siêu thị Co.opmart, Bách hóa Xanh, các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cũng như chào bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số Tiki, Sendo, Shopee, Postmart,,....
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn chia sẻ, về lâu dài, Tiền Giang tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường vừa bảo đảm an toàn thực phẩm đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh nông sản hàng hóa.

Tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại cũng như gắn với xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hỗ trợ và phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương gắn với sản phẩm tiêu biểu đặc thù từng vùng, miền.
Ngoài ra, Tiền Giang quan tâm tích cực hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua đề xuất ngành ngân hàng cơ cấu lại những khoản vay, tiếp tục giãn nợ, thuế, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới, bổ sung vốn lưu động giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh khôi phục hoạt động trong điều kiện bình thường mới, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững sau đại dịch.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp và chính sách bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn vay; tích cực hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng phương án kinh doanh để vay vốn từ nguồn vốn vay như: Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn Quỹ các đoàn thể chính trị - xã hội giúp đỡ hội viên, nông dân… phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo lãnh đạo Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, các nỗ lực đúng hướng đã phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, những biện pháp hỗ trợ sản xuất triển khai đồng bộ và kịp thời được nông dân đồng thuận cao. Từ đó, bà con an tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào thâm canh để giành những vụ mùa bội thu, bù đắp thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong thời gian qua. Các chính sách hỗ trợ nông dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ về giảm thất thoát sau thu hoạch, bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, hỗ trợ miễn thu thủy lợi phí…cũng đang mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy nông dân phát huy các tiềm năng đất đai, lao động ổn định cuộc sống vừa góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Tiền Giang thành lập mới thêm 5 hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, nâng toàn tỉnh có hiện có 172 hợp tác xã nông nghiệp với trên 42.000 thành viên. Về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 131/143 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 26/143 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 6/11 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện, thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, tình hình khôi phục và phát triển sản xuất trong điều kiện bình thường mới đạt nhiều kết quả khả quan. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nông dân địa phương đã giành thắng lợi vụ Đông Xuân 2021 - 2022 với sản lượng trên 350.000 tấn lúa hàng hóa, đạt trên 46% chỉ tiêu về sản lượng lương thực cả năm 2022 đồng thời bà con đang chăm sóc gần 25.000 ha trà lúa vụ Xuân Hè. Sản lượng rau màu thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt trên 588.000 tấn sản phẩm, đạt gần 52% chỉ tiêu kế hoạch cả năm và tăng gần 5% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng trái cây các loại thu hoạch đạt gần 552.000 tấn, tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước…

Mộng Tuyết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập653
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm618
  • Hôm nay65,074
  • Tháng hiện tại1,197,721
  • Tổng lượt truy cập34,783,366
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây