Theo đó, căn cứ vào cấp độ dịch được Sở Y tế công bố, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải áp dụng ngay các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn. Các địa phương phải chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch theo Công điện số 1700/CĐ-BYT. Khi có ổ dịch xảy ra, phải khoanh vùng thật nhanh, phong tỏa hẹp nhất có thể, điều tra, truy vết thần tốc và xét nghiệm, trả kết quả nhanh nhằm sớm dỡ bỏ phong tỏa trên cơ sở dựa vào 3 trụ cột chống dịch hiện nay là: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; Điều trị tích cực từ sớm, từ xa.
Mặt khác, Ngành Y tế lập kế hoạch quản lý, xét nghiệm tầm soát định kỳ đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các địa bàn nguy cơ, đối tượng nguy cơ theo Công văn số 9472/BYT-MT ngày 08/11/2021 của Bộ Y tế cũng như quản lý chặt địa bàn, xét nghiệm và thực hiện việc cách ly đúng quy định đối với người về từ vùng dịch, nhất là các địa phương có ca mắc cao.
Ban Chỉ đạo tỉnh cũng giao trách nhiệm cho các Tổ Covid cộng đồng, chính quyền ấp hoặc khu phố, chính quyền cấp xã quản lý các đối tượng trên; Phát động phong trào người dân hỗ trợ giám sát, phát hiện các đối tượng không thực hiện việc cách ly, xét nghiệm theo đúng quy định gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách; Tuân thủ 5K gắn với đẩy mạnhthông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân tuân thủ qui định phòng, chống dịch theo công thức: “5K + vắc xin + ý thức người dân”.
Đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục thẩm định, kiểm tra phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn tại Công văn số 6526/UBND-KT ngày 28/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, công tác xét nghiệm tầm soát định kỳ cho người lao động, phương án xử lý khi có ca mắc xảy ra.
Tỉnh quán triệt trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân phải tập trung cao độ, quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là đặc biệt là khi địa phươngchuyển sang trạng thái bình thường mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phấn đấu khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, bền vững.
Để nâng cao hiệu quả điều trị COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Tiền Giang triển khai đồng loạt việc cách ly, điều trị F0 tại nhà hoặc trạm y tế… trên địa bàn tỉnh đối với các F0 thỏa mãn các điều kiện theo quy định. Để đạt kết quả, các địa phương chủ động tổ chức các tổ hoặc bộ phận quản lý, hỗ trợ cách ly F0 tại cơ sở.
Song song đó, Ngành Y tế tỉnh Tiền Giang củng cố và nâng chất lượng hoạt động mạng lưới trạm y tế xã, liên xã nhằm hỗ trợ F0 ngay từ cơ sở gắn với tổ chức tốt hoạt động của các Trạm y tế lưu động, tăng cường nhân lực y tế theo dõi sát, nâng cao năng lực điều trị, phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng của người bệnh và xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất bệnh nặng chuyển tầng điều trị cao hơn. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine nhằm tăng tỷ lệ bao phủ, bảo vệ trong nhân dân. Tỉnh rà soát những người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 để tổ chức tiêm vét cho người dân cũng như khẩn trương triền khai tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh từ lớp 12 trở xuống lớp 7 theo kế hoạch, đảm bảo điều kiện cho các em học trực tiếp khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát...
Đến ngày 18/11, Tiền Giang đã có1.385.783 người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ 99,0% trong độ tuổi được tiêm mũi 1 vaccine; 906.113 người từ 18 tuổi trở lên, đạt 64,8% trong độ tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Số công nhân và người lao động được tiêm vắc xin mũi 1 là 290.859 trên tổng số 330.233 người, đạt 88,1%, đã tiêm đủ 2 mũi là 190.006 người, đạt 57,5%. 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập được Trạm y tế lưu động phục vụ chăm sóc đối tượng F0. Qua ghi nhận, toàn tỉnh có 2.908 ca F0 đang điều trị tại nhà.
Tính đến ngày 23/11, Tiền Giang có 24.056 ca F0 trong đó đã điều trị khỏi 18.499 và 486 ca tử vong. Qua đánh giá cấp độ dịch, Tiền Giang đang ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), 10/11 huyện, thành, thị ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và 1 huyện là Tân Phước đang ở cấp độ dịch 3 (nguy cơ cao).