Tiền Giang phát triển kinh tế - đô thị ba vùng

Thứ hai - 10/07/2017 03:52
Nhằm sử dụng nguồn lực đạt hiệu quả cao, tập trung đầu tư có trọng điểm, phù hợp lợi thế so sánh của từng tiểu vùng, từng địa phương, đồng thời liên kết chặt chẽ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), vùng kinh tế trọng điểm phía nam và hội nhập quốc tế, tỉnh Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - đô thị ba vùng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thí điểm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất tại TP Mỹ Tho
Thí điểm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất tại TP Mỹ Tho
Tăng tính liên kết vùng

Tiền Giang là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với vùng ÐBSCL cho nên thuận lợi trong thu hút đầu tư, liên kết phát triển cùng các vùng kinh tế trong cả nước. Ngoài ra, tỉnh còn có các thế mạnh về tiềm năng, điều kiện tự nhiên, đất đai, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực hội đủ tại ba vùng kinh tế - đô thị.

Cụ thể, vùng trung tâm gồm TP Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành; vùng phía tây gồm thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và huyện Tân Phước; vùng phía đông gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Ðông và huyện Tân Phú Ðông. Theo định hướng phát triển của tỉnh, vùng trung tâm phát huy vai trò là hạt nhân, giao lưu trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ các vùng trong tỉnh; tập trung ưu tiên và liên kết vùng để nâng cao hiệu quả trên các lĩnh vực phát triển đô thị, khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch đa dạng. Vùng phía tây tập trung ưu tiên đầu tư và liên kết vùng để nâng cao chuỗi giá trị thương hiệu hàng hóa nông sản như: khóm (dứa), sầu riêng, xoài, lúa - gạo; chăn nuôi tập trung; gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp chế biến lúa - gạo, trái cây, thực phẩm; đồng thời, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái. Riêng vùng phía đông ưu tiên liên kết phát triển kinh tế biển và vùng ven biển có hiệu quả, thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, cảng tổng hợp ven biển, vận tải biển; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ; hình thành đô thị ven biển; thương mại, dịch vụ, du lịch biển,… tạo nền tảng để hình thành khu kinh tế ven biển trong tương lai.

Với thế mạnh của từng vùng, mục tiêu phát triển kinh tế - đô thị của Tiền Giang được cụ thể hóa rõ ràng trong việc liên kết nội vùng, liên kết vùng phù hợp tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, chặt chẽ, liên hoàn giữa các vùng, trên cơ sở nâng tầm các cực phát triển là các đô thị trung tâm mỗi vùng như TP Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy, tiến tới phát triển liên kết để tạo lực hút - đẩy trong không gian phát triển kinh tế - xã hội qua liên kết vùng, kể cả trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Tỉnh đặt ra chỉ tiêu, giá trị sản xuất toàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 12,5%. Ðến năm 2020, giá trị sản xuất vùng trung tâm chiếm 50,9%, giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 75,5 triệu đồng/người (đạt 107,4% mức bình quân của tỉnh); vùng phía tây đạt 71,5 triệu đồng/người; vùng phía đông đạt 60,2 triệu đồng/người. Ðến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa vùng trung tâm đạt 28%, vùng phía tây là 15% và vùng phía đông khoảng 24%.

Ðồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: "Việc Tiền Giang thống nhất hình thành vùng không phải phân chia khu vực cục bộ mà phát huy lợi thế từng vùng, thực hiện liên kết vùng và liên kết bên ngoài để tạo giá trị gia tăng. Liên kết sẽ tạo cơ sở quan trọng thực hiện các nhiệm vụ bằng việc lồng ghép chương trình phát triển kinh tế ba vùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác. Từ chương trình hành động của tỉnh, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương cụ thể hóa các công việc. Ðiều quan trọng nhất, mỗi địa phương chủ động thực hiện vai trò chủ trì trong chương trình hành động, huy động nguồn lực trong doanh nghiệp, trong nhân dân; đội ngũ cán bộ phải sáng tạo tích cực, đủ sức đảm đương nhiệm vụ".

Khắc phục bất cập về hạ tầng giao thông

Khi triển khai Nghị quyết về phát triển kinh tế - đô thị ba vùng, nhiều vấn đề bất cập tồn tại từ nhiều năm tại các địa phương đã được Tiền Giang quyết tâm khắc phục ngay. Trong đó, chú ý về hạ tầng giao thông phục vụ liên kết, sản xuất theo chuỗi liên kết để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Theo Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo Ngô Hữu Thệ, nhiều dự án lâu nay chỉ phục vụ địa phương, không phục vụ kết nối các vùng, do đó, cần phải rà soát các dự án từ nay đến năm 2020. Huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành là vùng lớn nhất trồng thanh long của Tiền Giang, nhưng hiện nay, các công trình giao thông phục vụ vận chuyển đã xuống cấp, nhất là hạ tầng ở các vùng giáp ranh vẫn còn nhiều hạn chế, cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng đồng bộ. Ngoài ra, tỉnh cần có hỗ trợ vùng sản xuất theo quy hoạch. Hiện thanh long chỉ làm thí điểm mô hình 5 đến 10 ha, không tạo thành vùng chuyên canh lớn. Huyện đặt mục tiêu phát triển 3.000 ha thanh long, trong đó, khoảng 2.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang Ngô Văn Tuấn cho rằng: "Nhiều sản phẩm của tỉnh vẫn chưa tiếp cận được thị trường lớn. Ðúng ra, nông sản phải làm theo những gì thị trường yêu cầu, chứ không phải đua theo sản phẩm có thể sản xuất được. Các đơn vị xuất khẩu cần vùng nguyên liệu cho nên phải xây dựng cánh đồng lớn. Lâu nay, các huyện Cái Bè, Cai Lậy có điều kiện xây dựng cánh đồng lớn, vùng chuyên canh lớn, nhưng làm chưa nghiêm túc. Vì thế, sắp tới phải tổ chức lại sản xuất hiệu quả hơn, liên kết vùng phải hướng đến xây dựng chuỗi. Các ngành chức năng trong tỉnh đang phối hợp xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn để khơi dậy những sản phẩm đã được xác định giá trị như bưởi lông cổ cò, xoài cát Hòa Lộc...".

Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô gần 200 ha (thuộc hai huyện Châu Thành và Tân Phước). Trong tương lai, khu này đi vào hoạt động sẽ tạo sức lan tỏa cho các vùng trong tỉnh. Các huyện sẽ được hưởng lợi thế áp dụng kết quả từ dự án chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân để phát triển nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, nhiều khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã lấp đầy, góp phần giải quyết phần lớn việc làm cho lao động địa phương và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chủ trương liên kết vùng, việc quy hoạch các khu, CCN được đặt ra theo hướng bổ trợ cho nhau phát triển. Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết: Huyện đang đề xuất xin chủ trương của tỉnh quy hoạch CCN Tân Lý Ðông 50 ha, mở rộng hơn 20 ha CCN Song Thuận. Những CCN này tập trung ưu tiên đối với các ngành nghề là lợi thế của tỉnh như chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ nhằm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nội địa, hỗ trợ cho TP Mỹ Tho khi cần thiết di dời một số doanh nghiệp gây ô nhiễm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Ðức nhấn mạnh: Ðể bảo đảm sự liên kết, kết nối vùng, tỉnh định hình rõ quy hoạch các dự án giao thông cho cả tương lai. Bài toán điện, nước, viễn thông,... phục vụ sản xuất, chăn nuôi, công nghiệp phải quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, ưu tiên cung cấp dịch vụ công đến tận phường, xã. Khi nói đến đô thị thông minh, phải hướng đến phục vụ người dân, người dân phải được sử dụng, hiểu biết cung ứng các dịch vụ hỗ trợ hiện đại. Ðồng thời, giải quyết bài toán an ninh - trật tự trong liên kết vùng; xử lý chất thải, chống ô nhiễm môi trường; khuyến khích nông dân có ý thức sản xuất nông sản sạch.

Một số chuyên gia cũng lưu ý, để Nghị quyết về phát triển kinh tế - đô thị ba vùng của tỉnh đạt hiệu quả cao, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Mỗi vùng phát huy vai trò của mình nhưng cũng cần có "nhạc trưởng" là đầu tàu kết nối với các huyện, thị xã khác trong vùng, bám sát chương trình hành động của tỉnh và của từng địa phương. Ngoài khu vực đầu tư công, cần mời gọi đầu tư xã hội hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, ưu tiên những dự án đủ điều kiện, mang lại hiệu quả bền vững hiện tại và trong tương lai.

Từ Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập703
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm688
  • Hôm nay53,053
  • Tháng hiện tại1,185,700
  • Tổng lượt truy cập34,771,345
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây