Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Huy Ngọc, Phó Vụ trưởng phụ trách Cơ quan Thường trực khu vực miền Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và cùng tham dự trên 160 đại biểu.
Tại hội nghị có 12 tham luận của các sở, ngành tỉnh và các địa phương. Các phát biểu tập trung chia sẻ, minh họa, làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 33 và Chỉ thị 38. Đồng thời, phân tích và làm rõ thêm những nguyên nhân kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, tồn tại; những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đối với Nghị quyết 33, qua 10 năm triển khai thực hiện cho thấy công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ ngày càng thiết thực, hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng được nâng cao. Hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển khởi sắc. Các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc, của địa phương được phát huy. Các thiết chế văn hóa - thể thao đáp ứng ngày càng tốt hơn. Chú trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và các đoàn thể.
Đối với Chỉ thị 38, qua 15 năm triển khai thực hiện đã nâng cao được nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm y tế trong đời sống xã hội. Nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách và phát triển người tham gia bảo hiểm y tế gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và triển khai các giải pháp cải tiến quy trình, thủ tục trong khám chữa bệnh được ban hành. Chỉ tiêu bảo hiểm y tế được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện hằng năm và đã nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh từ 56% năm 2012 lên 95,6% năm 2023. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực tại các cơ sở khám chữa bệnh, cải thiện quy trình khám chữa bệnh, trong đó có khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được tăng cường đầu tư. Công tác phối hợp giữa ngành y tế với bảo hiểm xã hội trong ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong thanh toán, giám định bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi và tạo niềm tin cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Sự nổ lực của các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở trong việc nâng cao chất lượng ngày càng nhiều. Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa 1.000 giường đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; nhất là thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện tốt việc vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế và sổ bảo hiểm y tế tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2020 đến năm 2023, hơn 3,47 tỷ đồng được vận động để hỗ trợ 3.038 sổ bảo hiểm xã hội và trên 12.900 thẻ bảo hiểm y tế. Riêng năm 2023, 1,28 tỷ đồng được vận động, 2.683 sổ bảo hiểm xã hội và 1.432 thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị bệnh trong dịp Tết Nguyên đán được hỗ trợ.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Danh đánh giá cao kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và Chỉ thị 38. Trong đó, đối với Nghị quyết 33, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh trên cơ sở 7 nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong dự thảo báo cáo của Tỉnh ủy, đồng chí yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế theo phương châm “Kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa cái chung và cái riêng”. Đặc biệt, coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, của địa phương. Đối với Chỉ thị 38, đồng chí yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chặt chẽ, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn để kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, nhấn mạnh Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị 38 của Ban Bí thư nhiều nội dung vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Điều quan trọng là phải có cách thức tiếp tục tổ chức thực hiện để đạt được kết quả cao nhất, vì vậy cần phải có sự tập trung cao, nỗ lực lớn, có sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong phát triển sâu rộng, thực chất các phong trào văn hóa, cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân; phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, của gia đình và xã hội, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn được đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.