Tiền Giang có 16 cơ sở khám và điều trị bằng y học cổ truyền, điều trị bệnh bằng Đông Tây y kết hợp; trong đó, có 1 Bệnh viện Y học cổ truyền, 3 Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh và Bệnh viện Quân y 120 có Khoa hoặc Tổ Y học cổ truyền; 11/11 Trung tâm Y tế huyện, thành, thị đều có Khoa hoặc Tổ Y học cổ truyền; 172/172 trạm Y tế xã, phường, thị trấn đều có phòng chẩn trị Y học cổ truyền. Từ năm 2013 đến nay, các trạm y tế trong tỉnh có khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông, Tây y kết hợp được thanh toán bảo hiểm y tế 100%. Trong giai đoạn 2008 - 2023, Hội Đông y các cấp đã khám và chữa bệnh cho trên 84 triệu lượt với số tiền trên 380 tỷ đồng. Vận động lương y, hội viên đóng góp trên 190 tỷ đồng ủng hộ các hoạt động từ thiện xã hội, xây dựng nhà tình thương, xây dựng các công trình công cộng, tổ chức khám bệnh và tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người cao tuổi, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng,...
Hội Đông y tỉnh qua 9 lần Đại hội, các cấp hội có bước phát triển tích cực, chất lượng khám và điều trị bệnh được nâng lên, công tác kế thừa, phát huy phát triển vốn quý y học cổ truyền được các cấp hội quan tâm. Tính đến tháng 3/2023, tổng số hội viên Hội Đông y trong toàn tỉnh hiện có 1.828 hội viên (trong đó, có 76 hội viên có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I; 65 bác sĩ y học cổ truyền; 177 lương y, 34 lương dược; 369 y sĩ y học cổ truyền, 49 dược sĩ y học cổ truyền…); nguồn nhân lực tham gia công tác khám chữa bệnh có chuyên môn ngày càng tăng về số lượng và chất lượng: tuyến tỉnh có 130 cán bộ (9 bác sĩ chuyên khoa I, 20 bác sĩ y học cổ truyền, 40 y sĩ y học cổ truyền, khác 61), tuyến huyện có 41 cán bộ (17 bác sĩ y học cổ truyền, 17 y sĩ y học cổ truyền, 3 lương y, khác 4), tuyến xã có 245 cán bộ y học cổ truyền (2 bác sĩ chuyên khoa I, 12 bác sĩ y học cổ truyền, 160 y sĩ y học cổ truyền, 71 lương y); cơ sở điều trị y học cổ truyền được duy trì, mở rộng, toàn tỉnh có 98 cơ sở điều trị bệnh bằng y học cổ truyền tư nhân, 45 cơ sở kinh doanh đông dược, 39 cơ sở điều trị miễn phí. Bên cạnh đó, các cấp hội luôn quan tâm và chủ động theo dõi, chỉ đạo trồng và sử dụng các loại cây dược liệu tập trung tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 05 cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm Đông y, thực phẩm chức năng, được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 37 mặt hàng lưu hành toàn quốc và Sở Y tế cấp phép 22 mặt hàng phục vụ trong các phòng chẩn trị trong tỉnh.
Ngoài ra, Hội Đông y các cấp làm tốt công tác khám chữa bệnh, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn; gắn với tuyên truyền vận động nhân rộng trong Nhân dân tận dụng trồng cây thuốc trong vườn cây ăn trái, trên bờ ao, bờ ruộng theo các phương châm kinh tế gia đình - y tế gia đình - vệ sinh môi trường sống và theo ba nhóm cây rau, cây cảnh, cây ăn trái dành cho trị bệnh. Thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu cho nhân dân hiểu biết, sử dụng một số cây thuốc, bài thuốc nhằm bảo tồn và sử dụng các nguồn dược liệu sẵn có ở địa phương để chữa các bệnh thông thường tại gia đình. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy nguồn dược liệu quý, những bài thuốc cổ truyền, phương pháp chữa bệnh hay bằng Đông y, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Công tác nghiên cứu khoa học nhằm phát triển nền Đông y và Hội Đông y ngày càng được nhân rộng, số lượng đề tài nghiên cứu cấp cơ sở tăng dần, hàng năm có trên 25 đề tài thừa kế, tâm đắc của các lương y, bác sĩ, y sĩ được phổ biến cho cán bộ, hội viên trao đổi học tập, nhằm bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức trong việc khám, chữa bệnh. Các cấp Hội Đông y đã xây dựng và thực hiện các đề án về bảo tồn, phát triển dược liệu quý, sản xuất, chế biến thuốc từ dược liệu có sẵn tại địa phương; sưu tầm, nghiên cứu thực hành theo các y văn, tài liệu quý về Đông y và các bài thuốc cổ truyền dân gian, góp phần nâng cao y thuật trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Các cơ sở trồng và phát triển được 350 vườn thuốc nam mẫu có từ 40 - 60 loại cây, với diện tích trên 30.000 m2 (trong đó, có 172 vườn trong trạm y tế, 178 vườn trong các cấp hội, trường học). Ngoài ra, các cấp Hội còn trồng trên 20 vườn thuốc, mỗi vườn trên 1.000 m2 trồng các loại dược liệu đặc thù để cung cấp thuốc nam cho các phòng chẩn trị trong tỉnh, đồng thời trao đổi dược liệu với các tỉnh khác, tạo nguồn thuốc dồi dào phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân.
Hàng năm, Hội Đông y tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo và các lớp tập huấn kiến thức Đông y cho tất cả các hội viên và người yêu thích Đông y nhằm nâng cao trình độ hiểu biết, đưa Đông y vào cộng đồng; phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền tổ chức 26 lớp bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho gần 1.500 lượt hội viên; phát hành 2 quyển sách kế thừa kinh nghiệm của cố lương y Việt Cúc. Bên cạnh đó, Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thực hiện Chương trình “Vị thuốc quanh ta” tạo được sự lan tỏa trong Nhân dân, giúp người dân thấy được sự hữu dụng của các loại thảo dược và tạo được phong trào trồng cây thuốc nam ngay tại vườn nhà dùng để chữa trị một số bệnh thông thường.
Việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại luôn được quan tâm thực hiện; hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thành, thị đều có thành lập khoa hoặc tổ y học cổ truyền, các trạm y tế có phòng chẩn trị y học dân tộc; qua đó, việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đã mang lại hiệu quả tích cực, đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, nhất là những người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, các bệnh lý về cơ - xương - khớp, di chứng tai biến mạch máu não, các bệnh lý về thần kinh…
Nhìn chung, vai trò nòng cốt của Hội Đông y trong phát triển nền Đông y Việt Nam trong những năm qua luôn được đẩy mạnh, đặc biệt phối hợp giữa Trạm Y tế và Hội Đông y cấp xã trong việc tổ chức phòng chẩn trị y học cổ truyền tại Trạm Y tế để khám, điều trị cho Nhân dân, hỗ trợ xây dựng và duy trì vườn thuốc nam theo quy định của Bộ Y tế, qua đó, mang lại hiệu quả trong việc kết hợp giữa Đông y - Tây y.