Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Gianghttps://tuyengiaotiengiang.vnpttiengiang.vn/uploads/screenshot_1_5.png
Thứ sáu - 23/08/2024 22:47
Xây dựng nông thôn mới và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Cai Lậy chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và bảo đảm an sinh xã hội.
Hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp các ngành, đoàn thể, UBND 16 xã, thị trấn khảo sát nhu cầu lao động, tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp, đảm bảo hiệu quả sau đào tạo. Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, huyện Cai Lậy tổ chức 15 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn với các nghề nấu ăn, trồng và nhân giống cây sầu riêng, trồng và chăm sóc cây kiểng. Tại xã Phú An, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp UBND xã vừa mở lớp dạy nghề nấu ăn cho 35 học viên. Hơn 1 tháng tham gia khóa học, học viên được hướng dẫn cách lựa chọn, sơ chế và bảo quản thực phẩm, kỹ thuật trang trí và trình bày món ăn, chế biến các món ăn cơ bản và phục vụ đám tiệc. Bà Trần Thị Kim (ấp 3, xã Phú An) chia sẻ:"Tham gia lớp học này, chúng tôi được hướng dẫn chế biến các món ăn thông thường đến nâng cao, trang trí và trình bày bàn tiệc. Sau lớp học, mọi người có thể chế biến món ăn cho đám tiệc trong gia đình và kinh doanh dịch vụ ăn uống để tăng thu nhập".
Tăng cường giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Song song đào tạo nghề, huyện Cai Lậy tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế. Đến nay, huyện Cai Lậy đã giải ngân 29 dự án trồng trọt và chăn nuôi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp giải ngân vốn vay giải quyết việc làm cho 931 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, tổng dư nợ hơn 40 tỷ đồng. Các ngành, đoàn thể cũng khuyến khích hộ gia đình chủ động tiếp thu khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất để phát huy hiệu quả các mô hình. Là một trong 10 hộ gia đình tham gia dự án "Nuôi bò sinh sản" tại xã Phú An, anh Trần Thanh Tú ở ấp 1 cho biết: "Vợ chồng tôi không có đất canh tác, phải làm thuê nên thu nhập rất bấp bênh. Được hỗ trợ con giống từ dự án, tôi làm chuồng trại để chăn nuôi, tận dụng nguồn cỏ trong tự nhiên làm thức ăn cho bò. Mô hình khá phù hợp với điều kiện của gia đình, cũng gợi mới hướng đi mới để có thêm thu nhập nuôi hai con ăn học".
Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại trường THPT Phan Việt Thống.
Theo thống kê, toàn huyện Cai Lậy có hơn 96.700 người trong độ tuổi lao động. Để hạn chế tỷ lệ thất nghiệp và không có việc làm của người lao động trong độ tuổi, địa phương cũng thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các ngành nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện chiếm hơn 77,8%, 39,9% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. 100% xã trên địa bàn huyện giữ vững tiêu chí số 12 về Lao động của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm giúp chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, trang bị kiến thức và nâng cao tay nghề để người lao động cải thiện thu nhập. Huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT, đa dạng ngành nghề đào tạo phù hợp với thế mạnh và mục tiêu phát triển sản xuất của địa phương, hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình cho vay giải quyết việc làm…