Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; các ngành trong khối khoa giáo - văn hóa, văn nghệ; Ban Tuyên giáo các huyện, thành, thị và tương đương; các phòng và chuyên viên phòng khoa giáo - văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Phan Thanh Dũng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Công tác khoa giáo - văn hóa, văn nghệ là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng, gắn liền với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với hoạt động của các ngành, cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề; chăm sóc sức khỏe nhân dân; khoa học, công nghệ; môi trường; dân số, gia đình và trẻ em; thể dục, thể thao; văn hóa, văn nghệ và công tác tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức. Các hoạt động trên lĩnh vực này đều có vị trí, vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của nhân dân, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương. Đây là các lĩnh vực có tác động trực tiếp hàng ngày đến đời sống, tư tưởng, tâm trạng xã hội, luôn nhận được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân; là các lĩnh vực thường có nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn đòi hỏi phải theo dõi thường xuyên, tham mưu triển khai, giải quyết kịp thời trên diện rộng, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp.
Trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo cấp huyện và tương đương đã tích cực tham mưu cấp ủy hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, sơ kết, tổng kết và kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và Tỉnh ủy trên lĩnh vực khoa giáo - văn hóa, văn nghệ; tăng cường công tác phối hợp thực hiện theo Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Chất lượng công tác tham mưu cấp ủy và hiệu quả công tác phối hợp của Ban Tuyên giáo các cấp với chính quyền cùng cấp và các ngành trong khối khoa giáo - văn hóa, văn nghệ ngày càng được nâng lên và chuyển biến tích cực; công tác tham mưu cấp ủy được thực hiện nghiêm túc, chủ động và bao quát; công tác phối hợp các ngành trong khối thường xuyên, chặt chẽ, đảm bảo thông tin hai chiều chính xác, liên tục; việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được theo dõi, cập nhật kịp thời, nhanh chóng để báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền định hướng, giải quyết, nhất là những vấn đề mang tính nhạy cảm, bức xúc hoặc điểm nóng được dư luận xã hội quan tâm, báo chí phản ánh trên lĩnh vực khoa giáo - văn hóa, văn nghệ ở các địa phương, đơn vị.
Ban tổ chức tọa đàm đã nhận 16 bài tham luận, trong buổi tọa đàm các đại biểu đã nghe 07 phát biểu tham luận và 04 lượt ý kiến phát biểu thảo luận. Các ý kiến đi sâu vào đánh giá thực trạng, hạn chế của công tác khoa giáo tại các địa phương, nêu lên những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế đó và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu công tác khoa giáo - văn hóa, văn nghệ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, phát huy trí tuệ và tâm huyết của các đồng chí trong các bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm. Từ việc xác định được những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện công tác tham mưu, để thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy trên lĩnh vực khoa giáo - văn hóa, văn nghệ của đảng ở địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Với quyết tâm thực hiện tốt công tác khoa giáo - văn hóa, văn nghệ của Đảng trong thời gian tới, đề nghị Ban Tuyên giáo và các ngành khối khoa giáo - văn hóa, văn nghệ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện những nội dung sau đây:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khoa giáo - văn hóa, văn nghệ của Đảng trong các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các ngành trong khối khoa giáo - văn hóa, văn nghệ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động trên lĩnh vực khoa giáo - văn hóa, văn nghệ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực công tác khoa giáo - văn hóa, văn nghệ của Đảng ở mỗi địa phương, đơn vị.