Đối tượng mắc bệnh TCM thường là trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, việc tuyên truyền phòng, chống TCM luôn được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, chủ động thực hiện.
Theo đó, ngày 26-11, buổi truyền thông được thực hiện tại Trường Mầm non Bình Minh xã Trung An, bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung cấp những thông tin cơ bản để các bậc phụ huynh và giáo viên chủ động phòng bệnh. Thời điểm hiện nay, cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi, sẽ khiến bệnh dễ lây lan và phát triển. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là sốt, tổn thương ở da như: rát đỏ, nổi mục nước một số vị trí quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông…; trẻ dễ quấy khóc.
Để hạn chế TCM lây lan, các giáo viên khi đón trẻ vào lớp nên quan sát kỹ, nhằm nhận biết sớm các trường hợp bệnh. Khi phát hiện trẻ bị mắc TCM, phụ huynh không nên cho con đến lớp. Tốt nhất là chờ đợi khi bệnh hết hẳn, nhằm tránh lây lan cho trẻ khác.
Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; đảm bảo chế độ dinh dưỡng để trẻ nâng cao sức đề kháng,… Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh TCM cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Thông qua việc tuyên truyền đến các phụ huynh về sự lây lan nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, trường sẽ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, ngành y tế để hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh, tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh cho trẻ.
Bên cạnh đó, các phụ huynh còn được bác sĩ hướng dẫn một số biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tại hộ gia đình và cách xử trí khi mắc bệnh.