Đầu năm 2010, Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho được thành lập và đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị: Bệnh viện đa khoa TP Mỹ Tho và Trung tâm y tế dự phòng thành phố, thực hiện 2 chức năng chính là khám, chữa bệnh, y tế dự phòng và quản lý toàn diện 17 trạm y tế phường - xã. Việc triển khai, thực hiện hoạt động theo loại hình này có khá nhiều thuận lợi, do Ban Giám đốc điều hành chung ở các lĩnh vực phòng, trị bệnh và đội ngũ cán bộ viên chức, nhân viên y tế có thể hỗ trợ nhau trong công việc khi cần thiết.
Hiện bộ máy Trung tâm y tế thành phố gồm có 4 phòng chức năng (tổ chức - hành chính; kế hoạch - nghiệp vụ; truyền thông - giáo dục sức khoẻ; tài chính - kế toán), 9 khoa chuyên môn thuộc 2 khối điều trị và dự phòng và 17 trạm y tế phường, xã với tổng số 270 cán bộ viên chức (trong đó 20 người có trình độ chuyên môn sau đại học, 20 người có trình độ đại học ). Mặc dù trong những năm qua, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh nhiều (bình quân trên 650 lượt bệnh nhân/ngày tại tuyến thành phố và trên 180 lượt bệnh nhân/ngày tại 17 trạm y tế phường, xã) nhưng do có sự cải tiến quy trình tiếp nhận, sàng lọc bệnh và tăng thêm phòng khám, sắp xếp hợp lý nhân lực nên đã giảm thời gian chờ đợi, giảm phiền hà của người bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố còn có nhiều đề tài sáng kiến, cải tiến ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, trong đó có 2 đề tài phát huy hiệu quả được thực hiện tại đơn vị là sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc và quản lý khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, qua đó đã góp phần hạn chế được tình trạng tiêu cực trong quản lý thuốc, giá thuốc và quản lý được đối tượng khám bảo hiểm y tế, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm phiền hà cho bệnh nhân; đồng thời thực hiện hiệu quả 2 đề án của Trung tâm y tế đã được Thành ủy Mỹ Tho phê duyệt gồm: “Nâng cao năng lực hoạt động của trạm y tế”; “Quản lý điều trị các bệnh mãn tính không lây tại tuyến y tế cơ sở”.
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, trong những năm qua, ngoài các thiết bị y tế có sẵn, tuyến y tế thành phố được đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh như: máy truyền dịch tự động, máy bơm tiêm tự động, máy sinh hoá, huyết học, máy ly tâm, lồng hấp sơ sinh, Monitoring… để khám và điều trị nhanh những trường hợp cấp cứu; đầu tư trang bị các thiết bị hỗ trợ công tác y tế dự phòng như: máy đo tiếng ồn, bụi, ánh sáng, độ rung… giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm tra giám sát môi trường lao động. 17 trạm y tế phường, xã được trang bị máy điện tim, bình thở oxy, một số y cụ như: đèn Clak, bộ khám ngũ quan, giường inox… và một số trang thiết bị khác để đảm bảo công tác khám, điều trị có hiệu quả. Chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân được duy trì và nâng cao ở tất cả các tuyến từ thành phố đến cơ sở. Nhiều tiến bộ khoa học hiện đại được áp dụng vào việc khám, chữa bệnh cho nhân dân như: điều trị tiểu đường bằng Insuline chích, áp dụng túi đựng máu sau sinh để xác định lượng máu mất sau sinh của sản phụ, quản lý và điều trị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh đái tháo đường… chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong sử dụng các trang thiết bị mới để điều trị cao huyết áp, đo điện tim, thở oxy… cho các trạm y tế, qua đó đã điều trị thành công các ca bệnh khó, cấp cứu kịp thời những trường hợp nguy hiểm, góp phần quan trọng trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố, đồng thời giảm tải cho tuyến trên.
Trung tâm y tế còn thực hiện có hiệu quả Đề án 242 của UBND TP Mỹ Tho về “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế tuyến phường, xã”. Theo đó, Trung tâm y tế thành phố điều động bác sĩ tuyến xã về Trung tâm y tế tham gia khám chữa bệnh để nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị; đồng thời phân công luân phiên một số bác sĩ của Trung tâm y tế thành phố về các trạm y tế phường, xã chưa có bác sĩ để đảm bảo 100% trạm y tế phường, xã đều có bác sĩ khám chữa bệnh, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tuyến xã -phường và đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu khám, chữa bệnh trong năm được giao phó.
Bên cạnh công tác khám, điều trị, công tác y tế dự phòng cũng được thành phố và cơ sở quan tâm, chú trọng, từ đó đã chủ động ngăn chặn kịp thời và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn thành phố như: cúm A (H1N1), sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp…. Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia luôn đạt kết quả cao: duy trì trên 98% số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng, tiêm VAT thai phụ đạt 100%; không có trường hợp tử vong do sốt rét và sốt xuất huyết; thực hiện đạt yêu cầu đối với chiến dịch tiêm vắcxin phòng bệnh sởi/rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên địa bàn thành phố… Tác phong phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ ở Trung tâm y tế và các trạm y tế ngày càng được cải thiện rõ rệt, đặc biệt từ khi toàn ngành phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Với những cách làm mới, tập thể cán bộ, y, bác sĩ Trung tâm Y tế thành phố và các trạm y tế phường, xã đã tìm, chọn và thực hiện những hoạt động y tế thích hợp để chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân thành phố ở cả hai lĩnh vực phòng và trị bệnh.
Tuy còn gặp không ít khó khăn, nhưng những nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế thành phố và cơ sở trong giai đoạn 2010 - 2014 đã góp phần chung đưa ngành y tế thành phố đạt được nhiều thành tích phấn khởi: Bộ Y tế tặng bằng khen đạt chuẩn “bệnh viện xuất sắc toàn diện” năm 2012; 55 cán bộ đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 4 đạt cấp tỉnh; 1 cán bộ được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”; 65 cán bộ nhận kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”; 1 tập thể, 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; Bộ Y tế tặng bằng khen cho 2 tập thể và 1 cá nhân; UBND tỉnh Tiền Giang tặng 9 cờ thi đua cùng với nhiều tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn.