Trong góc độ khoa học xã hội, gia đình có những chức năng cơ bản như: chức năng xã hội (tái sản xuất con người, duy trì và phát triển nòi giống), chức năng tổ chức đời sống kinh tế gia đình, chức năng giáo dục gia đình, chức năng thỏa mãn các nhu cầu về tâm lý, sinh lý và tình cảm. Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập, thảo luận đôi nét về chức năng giáo dục.
Chức năng giáo dục của gia đình như nêu ở trên là một chức năng cơ bản, cốt lõi trong quá trình xây dựng và phát triển của gia đình. Việc giáo dục của gia đình chính là quá trình tất yếu khách quan, nó xuất phát từ nhu cầu xã hội và nhu cầu thực tế của mỗi gia đình, của từng thành viên trong gia đình. Giáo dục nói chung và giáo dục gia đình được thể hiện qua hai mặt (cũng là hai quá trình có quan hệ tương hỗ lẫn nhau), đó là được giáo dục và tự giáo dục.
Trong thực tế đời sống xã hội, mỗi con người đều có quyền được giáo dục và có nghĩa vụ giáo dục, với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú, linh hoạt; nội dung giáo dục và được giáo dục cũng vì thế có sự biến chuyển linh hoạt, phong phú, được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, bất kể thời gian và không gian. Một người từ lúc sơ sinh cho đến về già, hầu như ai cũng từng trải qua quá trình được giáo dục và tự giáo dục ấy, duy có điều cách thức, cường độ, tính chất giáo dục không hoàn toàn giống nhau.
Nội dung giáo dục gia đình, bao gồm các nhóm như: giáo dục về tri thức thế giới quan, xã hội và con người; giáo dục về các giá trị văn hóa, truyền thống, đạo đức của dân tộc, của cộng đồng; giáo dục về các giá trị văn hóa gia đình, truyền thống gia đình; giáo dục về kỹ năng, kinh nghiệm sống và giao tế trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng xã hội.
Nếu xét một cách xác đáng, chức năng giáo dục của gia đình không thể chuyển giao cho nhà trường, cho xã hội do tính đặc thù quan trọng của nội dung và phương cách giáo dục gia đình. Tuy vậy, nếu chỉ đề cao giáo dục gia đình thôi thì sẽ chưa đầy đủ. Do đó, bao đời qua, chúng ta luôn đề cao mối quan hệ phối hợp trong giáo dục qua ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Khi có sự kết hợp nhịp nhàng, đúng mức, hài hòa giữa ba môi trường giáo dục ấy, chúng ta sẽ gặt hái được một kết quả sự phát triển tốt đẹp của gia đình nói chung, các thành viên trong gia đình nói riêng. Hơn nữa, sự kết hợp ấy luôn là yếu tố khách quan, là yếu tố cơ bản trong việc xây dựng nền nếp văn hóa, văn minh trong đời sống xã hội của gia đình. Khi có gia đình tốt, tức là sẽ có cộng đồng xã hội phát triển bình thường, ổn định, thịnh vượng.
Ngày nay, điều kiện và môi trường để gia đình phát triển có nhiều mặt thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Do vậy, điều kiện, nội dung và phương thức thể hiện chức năng giáo dục gia đình cũng có những biến đổi cơ bản. Về mặt văn hóa, gia đình luôn chịu sự tác động, chi phối của xã hội. Khi xây dựng nền tảng gia đình văn hóa cần dựa vào các giá trị văn hóa gia đình và dựa vào các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, tất nhiên có khía cạnh đời sống kinh tế của gia đình.
Các giải pháp căn cơ để xây dựng và phát triển gia đình văn hóa nói chung, đề cao chức năng giáo dục của gia đình nói riêng, trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho xã hội, cộng đồng dân cư và từng gia đình, cho mọi thành viên gia đình về ý nghĩa, giá trị của gia đình văn hóa và văn hóa gia đình. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục ấy phải đa dạng, phong phú, linh hoạt. Theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, xác định nội dung truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước… Đổi mới, đa dạng hóa hình thức truyền thông về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, chú trọng hình thức tuyên truyền bằng các thông điệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, đối tượng tuyên truyền là nam giới; đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; phê phán những biểu hiện không lành mạnh làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình; chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa xấu tác động vào gia đình.
Coi trọng phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết hài hòa các vấn đề an sinh xã hội, nâng chất lượng và hiệu quả của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở thờ tự, con đường văn hóa... nhằm tạo nên môi trường xã hội tốt đẹp hun đúc, tác động đến gia đình và làm cho từng gia đình, mỗi người dân được giáo dục, tự giáo dục về quyền và nghĩa vụ trong xây dựng, hưởng thụ những kết quả của các thiết chế văn hóa và thành quả của phát triển kinh tế - xã hội. Cả hệ thống chính trị tham gia vận động, hướng dẫn, giúp sức cho gia đình khắc phục nghèo khó, có điều kiện làm ăn kinh tế hợp pháp, hiệu quả và từng bước góp phần làm giàu cho xã hội.
Phát huy vai trò, chức năng tuyên truyền vận động, tập hợp nhân dân của tổ chức Mặt trận, đoàn thể nhân dân và tuyên truyền giáo dục qua hệ thống báo, đài. Xây dựng và tổ chức đa dạng hóa các mô hình sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng thu hút các thành viên gia đình tích cực tham gia để phát triển toàn diện thể chất, tinh thần. Qua đó, tiến hành giáo dục, hướng dẫn mọi người chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước liên quan đến gia đình, giáo dục rèn luyện về kỹ năng sống, trách nhiệm đối với việc xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh. Trong đó, coi trọng nêu cao giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng, dân tộc.
Đẩy mạnh việc lồng ghép giáo dục kiến thức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc vào giáo dục đào tạo ở các bậc học, cấp học; quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về gia đình, tăng cường thực hiện pháp luật để bảo vệ các quyền, lợi ích và đảm bảo thực thi nghĩa vụ của gia đình; ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình, nhất là bạo lực gia đình.
Tiến hành đồng thời, có chất lượng những nội dung, phương thức nêu trên cũng là nhằm tiếp tục giáo dục, xây dựng gia đình thật sự là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình; đồng thời, làm cho gia đình trở thành pháo đài phòng chống các tệ nạn xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.