Ông Lê Văn Hưởng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo huyện Gò Công Đông và các sở ngành có liên quan tiếp và làm việc cùng đoàn.
Theo báo cáo, trong quý I/2017, tổng sản phẩm trên địa bàn Tiền Giang ước đạt gần 13 ngàn tỷ đồng (tăng 7,4% so năm 2010). Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,6%, công nghiệp - xây dựng tăng 15,2%, dịch vụ tăng 6,5%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp... Bên cạnh sự tăng trưởng về kinh tế, việc xuống cấp về môi trường ngày càng nghiêm trọng: gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường mặt nước, sạt lở bờ sông, kênh rạch, đê biển, rừng ngập mặn ven biển bị xâm thực. Đặc biệt sự suy thoái rừng phòng hộ là nguyên nhân chính gây ra sạt lở và phá hủy các tuyến đê biển vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trong đó có Tiền Giang, tập trung tại huyện Gò Công Đông, đe dọa đến sản xuất của khoảng 47 ngàn ha đất canh tác và an toàn của khoảng 470 ngàn người dân phía trong đê.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và các ngành chức năng của tỉnh cùng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã nghiên cứu dự án “Chống xoáy lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển Gò Công” trên địa bàn huyện Gò Công Đông; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 840 tỷ đồng do Cơ quan phát triển Cộng hòa Pháp tài trợ; dự án đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm trị giá trên 55 tỷ đồng.
Dự án được thực hiện bằng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu như: công trình giảm sóng, chống xoáy lở, gây bồi, tạo bãi nhằm phục hồi và phát triển diện tích rừng phòng hộ (dự kiến khoảng1.000 ha); góp phần bảo đảm an toàn cho tuyến đê chính dưới tác động của sóng gió, nước biển dâng, bão (đến cấp 10); ổn định sản xuất, phát triển bền vững, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân các huyện phía Đông của Tiền Giang.