Tại điểm cầu Tiền Giang có ông Nguyễn Văn Danh, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự.
Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Hàng năm, có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trên cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 mét khối nước thải/ngày đêm; 625 cụm công nghiệp trong đó chỉ có khoảng hơn 55% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trên cả nước sử dụng hơn 100 ngàn tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp…
Tại hội nghị, nhiều tỉnh, thành cũng đã phân tích các nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương cần tập trung đánh giá tổng thể các vấn đề môi trường bức xúc trong giai đoạn hiện nay; không vì điều kiện kinh tế mà đánh đổi để môi trường bị ô nhiễm. Các địa phương xây dựng đề án rà soát để giải quyết vấn đề môi trường tại địa bàn mình một cách chủ động. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đôn đốc xử lý vấn đề môi trường hiệu quả và không gây sự chồng chéo. Ở đâu xảy ra môi trường ô nhiễm nặng, Chủ tịch UBND ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ; hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.