Công tác quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố Mỹ Tho cũng đã ban hành quyết định phân công nhiệm vụ quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, triển khai đến các cơ quan, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân phường, xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công, cụ thể: Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố chịu trách nhiệm tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố Mỹ Tho trong công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Mỹ Tho; Phòng Quản lý đô thị thành phố chịu trách nhiệm về việc lập dự toán kinh phí tổ chức chăm sóc, bảo dưỡng mãng xanh, thảm hoa, cây ra hoa, cây cảnh, cây bóng mát, điện chiếu sáng tại các di tích, vào các ngày Lễ lớn trong năm đều triển khai thực hiện việc trang trí hoa tươi tại các di tích trên địa bàn thành phố; Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố chịu trách nhiệm thẩm định, tham mưu đề xuất kinh phí xây dựng, sửa chữa, tôn tạo, bảo quản, chăm sóc di tích, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt thực hiện đúng quy định; Trung tâm Văn hóa - Thể Thao và Du lịch thành phố chịu trách nhiệm quảng bá hình ảnh, kết nối tour giới thiệu du khách đến tham quan các di tích trên địa bàn thành phố Mỹ Tho và Ủy ban nhân dân xã, phường, thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, tuyên truyền giới thiệu, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa trên địa bàn đúng theo Luật di sản văn hóa.
Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội và hoạt động văn hóa khác liên quan đến di tích hàng năm đều diễn ra các hoạt động như: Lễ hội Kỳ Yên, Lễ cúng hạ điền, thượng điền, Lễ giỗ Thủ Khoa Huân, Lễ giỗ các vị anh hùng cách mạng hy sinh trong các cuộc kháng chiến, kỷ niệm ngày thành lập trường Nguyễn Đình Chiểu. Các di tích trên địa bàn thành phố luôn được kiểm tra, quản lý nhằm bảo vệ và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di tích, tổ chức quản lý di tích, người được giao trông coi di tích theo quy định; tuyên truyền, bảo tồn, phát huy giá trị di tích tại địa phương; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc bảo tồn và quản lý di tích; việc quản lý diện tích đất của di tích đã được xếp hạng trên địa bàn. Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn luôn thực hiện nếp sống văn hóa tại nơi tổ chức lễ hội, di tích; giữ gìn vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn và phòng, chống cháy nổ tại di tích, không được lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi cá nhân, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn hóa của dân tộc.
Hiện nay, các di tích lịch sử - văn hóa ngày càng đem lại cơ hội thu hút khách theo hướng du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.Công tác tổ chức hoạt động quảng bá hình ảnh, giới thiệu du khách đến tham quan các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bànthành phố được quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các chương trình của Đội Tuyên truyền lưu động thành phố với hình thức giới thiệu qua clip ảnh, quay phim tiểu phẩm tại di tích, viết tin, bài trên sóng Truyền thanh - Truyền hình thành phố, Đài phường, xã và trên trang thông tin điện tử thành phố Mỹ Tho…Tất cả các di tích đều mở cửa, tổ chức các hoạt động phục vụ du khách, người dân địa phương đến tham quan, các di tích lịch sử cách mạng không chỉ là một địa điểm tham quan mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Từ đầu năm đến nay, di tích lịch sử - văn hóa Nhà Bạch Công Tử đón tiếp hơn 4.500 lượt khách đến tham quan, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Nhà Bạch Công tử đến khách du lịch nhiều hơn thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ như trang trí ngày Tết, chụp ảnh lưu niệm, khu ẩm thực, biểu diễn âm nhạc Acoustic...; các di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia như: Chùa Vĩnh Tràng, Chùa Bửu Lâm, Đình Điều Hòa tiếp đón nhiều lượt khách du lịch đến tham quam, tuy nhiên những điểm di tích lịch sử - văn hóa còn lại trên địa bàn thành phố chưa thu hút được nhiều sự quan tâm khách du lịch. Do đó, để khai thác, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của đô thị Mỹ Tho 345 năm phục vụ du lịch, góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì khảo sát thực trạng các di tích để đánh giá mức độ xuống cấp; căn cứ vào phân cấp thẩm quyền quản lý di tích để đề xuất hoặc chủ động có kế hoạch trùng tu, tôn tạo; tiến hành khảo cứu, biên soạn, hoàn chỉnh các lý lịch di tích, in ấn thành tài liệu để giới thiệu, quảng bá, kết nối vào các tour, tuyến du lịch và số hóa dữ liệu về các di tích để đưa lên bản đồ du lịch, ứng dụng công nghệ VR360 để giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa trên không gian mạng. Song song đó, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường, xã phối hợp của Mặt trận tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể triển khai việc thực hiện nhiệm vụ phát triển Du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa của thành phố với du khách đến tham quan du lịch.
Có thể nói, công tác bảo tồn, quản lý các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn thành phố Mỹ Tho không chỉ nhằm phát huy các giá trị để phục vụ cho các lợi ích xã hội, các truyền thống tốt đẹp của cộng đồng mà còn góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hoá, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp phong phú, đa dạng, độc đáo của địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển.