PGS.TS Hồ Thế Hà |
Trong chương trình Trại sáng tác phê bình văn học tỉnh Tiền Giang được Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang tổ chức đầu tháng 12 vừa qua, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thế Hà (Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật TW, giảng viên Trường Đại học Khoa học Huế) nhận định:
Đầu thế kỷ XXI, cùng với sáng tạo văn học và lý luận văn học, phê bình văn học ở nước ta đã có những khởi động mới đáng mừng. Với tư cách là một bộ phận quan trọng của Khoa Nghiên cứu văn học, phê bình văn học luôn bám sát vào đời sống sáng tạo và học thuật để làm chức năng “mỹ học đang vận động” của mình như Bélinski đã nói. Các nhà phê bình chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đã xuất phát từ sự phong phú của cả nền văn học, đặc biệt là những tác giả, tác phẩm đương đại để giải mã, chỉ ra những giá trị chỉnh thể trong tính đa dạng và đa trị của chúng tùy theo hướng tiếp cận và hệ hình nghiên cứu của từng nhà phê bình.
Có được những động thái và hệ quả ấy, chính là nhờ luồng gió đổi mới (từ năm 1986) mà Đảng khởi xướng và cổ động. Bên cạnh đó là sự du nhập các lý thuyết nghiên cứu văn học hiện đại thế giới đã kích hoạt ý thức đổi mới phê bình văn học của từng chủ thể. Có thể nói, đời sống phê bình văn học những năm qua ở nước ta diễn ra khá dân chủ, linh hoạt và có những thành tựu đáng kể. Qua đó, nó tác động và đồng hành với sáng tạo văn học.
- P.V: Công tác lý luận phê bình đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của văn học. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hiện tượng văn học mới lạ xuất hiện mà không thấy tiếng nói của các nhà lí luận phê bình. Theo PGS.TS nguyên nhân do đâu?
- PGS-TS Hồ Thế Hà: Đúng là lý luận, phê bình văn học đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống học thuật văn chương và sáng tạo văn chương, nó tác động trực tiếp đến sự phát triển của cả nền văn học. Và thực tế, nền văn học nước ta qua các giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn từ Đổi mới đến nay, phê bình bám rất sát sáng tác đấy chứ. Những tác phẩm (cả thơ và văn xuôi) có giá trị được ấn hành, liền có những bài phê bình (cả phê bình chuyên sâu và phê bình báo chí) lên tiếng và kịp thời có tiếng nói minh định, tác động và định hướng tiếp nhận thẩm mỹ tốt cho công chúng. Cả những tác phẩm của những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại. Các phương tiện công bố cũng đa dạng: Báo, tạp chí Trung ương và địa phương, kể cả các phương tiện truyền thông, mạng internet, các trang blog cá nhân… Nhờ đó mà chiếc cầu giữa tác phẩm và người đọc thông qua nhà phê bình cũng nhanh, nhạy và có hiệu quả.
Tuy vậy, trên thực tế, cũng có những tác phẩm văn học ra đời lại vắng tiếng nói thẩm định và kết luận của những nhà phê bình chuyên nghiệp. Đó cũng là một thực tế. Vì các nhà phê bình lúc nào cũng ít hơn nhà sáng tác rất nhiều và không phải lúc nào họ cũng lập tức có các tác phẩm ấy trong tay do khoảng cách không gian, do khâu phát hành co cụm từng miền, cũng có khi do sở thích, hoặc một lý do chính đáng nào đó ngoài văn học… Nhưng nhìn chung, tiếng nói dân chủ, học thuật của các nhà phê bình hiện nay, theo tôi là có trọng lượng và có tác động học thuật tích cực đến tiếp nhận và sáng tác văn học. Nó đang nỗ lực làm tốt chức năng mỹ học tiếp nhận của mình.
- P.V: Hiện nay có hiện tượng, phê bình kiểu truyền thông đang lấn át phê bình hàn lâm. Là một người tâm huyết với hoạt động phê bình văn học, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- PGS-TS Hồ Thế Hà: Nên xem đó là một hoạt động bình thường, nếu không muốn nói là cần phải được như thế. Vì các phương tiện truyền thông thì bao giờ cũng nhanh và trực tiếp về không gian và thời gian. Chức năng giao tiếp qua các phương tiện này rút gần khoảng cách về không gian và thời gian, về nhận thức thẩm mỹ cho cộng đồng người đọc.
Dĩ nhiên, bên cạnh đó, phải có những tác phẩm phê bình viết trên các phương tiện sách, báo, tạp chí… Nó xuất hiện muộn hơn vì phụ thuộc vào quá trình in ấn. Hơn nữa, tạp chí đâu phải nhiều và thuận tiện như phương tiện mạng. Chưa kể việc xuất bản định kỳ và số lượng ấn hành ít cũng có ảnh hưởng nhất định đến quá trình tiếp nhận.
Vấn đề là người đọc cần cảnh giác với những bài viết “dỏm”, phát ngôn không chính thống và thiếu tính học thuật của những nhà phê bình “không tên tuổi” trên phương tiện internet. Đa phần những bài viết ấy chưa qua khâu biên tập và tự họ post trên những trang mạng cá nhân, làm nhiễu thông tin và nhiễu định hướng thẩm mỹ cho người đọc. Những độc giả cao cấp, họ sẽ phân định được chất lượng và giá trị học thuật của bài viết, nhưng những độc giả phổ thông thì có thể bị đánh lừa.
Trại sáng tác phê bình văn học Tiền Giang 2017
- P.V: Có ý kiến cho rằng ở lĩnh vực phê bình văn học hiện nay đang thiếu vắng những người cầm bút trẻ... Thực tế, lực lượng này hiện nay như thế nào?
- PGS-TS Hồ Thế Hà: Theo tôi, lực lượng phê bình trẻ hiện nay không thiếu vắng. Trái lại, rất nhiều và hùng hậu nữa là khác. Họ có trình độ văn hóa và trình độ phê bình cao; có đam mê và giàu sáng tạo. Họ ưa chuộng cái mới, nhiều lúc đến thái quá là khác. Họ có trình độ ngoại ngữ và tiếp kiến nhiều tư tưởng mới từ các hệ thống lý thuyết phương Tây nên sự vận dụng vào từng không gian văn học tương thích để giải mã tác phẩm nhìn chung là có hiệu quả.
Có thể kể ra tên tuổi những nhà phê bình trẻ trên dưới 30 tuổi hiện nay như: Trần Huyền Sâm, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Đoàn Ánh Dương, Trần Ngọc Hiếu, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Mạnh Tiến, Hoàng Thuỵ Anh, Nguyễn Thanh Tâm, Cao Việt Dũng, Ngô Hương Giang, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Hiếu, Đoàn Minh Tâm, Thái Phan Vàng Anh, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Tố Mai, Phan Trọng Hoàng Linh, Trần Thiện Khanh, Phùng Gia Thế, Phùng Ngọc Kiên, Đào Nguyên, Phạm Văn Ánh, Phạm Xuân Thạch, Lê Nguyên Long, Nguyễn Thành Trung, Huỳnh Thu Hậu…
Ngay ở Tiền Giang chúng ta, hiện đang nổi lên những cây bút phê bình có triển vọng như: Võ Tấn Cường, Nguyễn Trọng Hiếu, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Thị Kim Chi… Cần đào tạo, phát huy nghề nghiệp của các cây bút trẻ này để họ đảm nhiệm trực tiếp công việc phê bình văn học ở địa phương và khu vực một cách có hiệu quả.
- P.V: Theo PGS.TS, cần làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phê bình văn học hiện nay ở Tiền Giang nói riêng cũng như cả nước nói chung?
- PGS-TS Hồ Thế Hà: Như trên, tôi vừa nói, Tiền Giang có đội ngũ phê bình văn học chuyên và không chuyên rất có triển vọng. Đặc biệt là các cây bút phê bình trẻ vừa nêu trên. Họ sẽ là lực lượng chủ yếu từng bước đảm nhận công việc nặng nề này. Hơn ai hết, họ hiểu biết sâu về vùng đất và con người, về từng tác giả, tác phẩm trong khu vực nên những trang viết của họ sẽ có trọng lượng, chân xác và kịp thời, trước khi có tiếng nói của các nhà phê bình văn học trung ương và các địa phương khác.
Nâng cao công tác phê bình cho từng cá nhân, không gì ngoài chính họ. Tự học, tự đào tạo thông qua thực tiễn trang viết là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để đánh giá đẳng cấp phê bình. Muốn vậy, ngoài sự động viên, hỗ trợ của Hội, của chính quyền về mọi mặt, thì từng nhà phê bình phải tiếp cận với lý luận văn học, với hệ thống lý thuyết từ các khuynh hướng, phương pháp phê bình hiện đại thế giới để học hỏi những tinh hoa, những khả thủ của chúng và ứng dụng có hiệu quả vào từng đối tượng (tác giả, tác phẩm).
Trại viết về Lý luận và Phê bình văn học vừa rồi do Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang tổ chức là một trong những động thái tích cực và đáng hoan nghênh. Qua đó, từng chủ thể phê bình sẽ tự ý thức và từng bước nâng cao trình độ cũng như phương pháp phê bình cho từng cá nhân, để từng bước, từ không chuyên đến chuyên nghiệp. Họ có tiềm năng, có lòng đam mê nghệ thuật. Đó là vốn quý để mỗi người sẽ là chính mình trong khát vọng sáng tạo và thực hành sáng tạo.
- P.V: Trân trọng cảm ơn PGS.TS!
Lê Văn (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn