Để xử lý tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương xử lý các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh với kinh phí xử lý khoảng 86.811 triệu đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 51 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 4.665 mét, ước tính kinh phí xử lý khoảng 86.811 triệu đồng. Trong đó, huyện Cái Bè có 17 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 1.693 mét, huyện Cai Lậy có 27 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 1.980 mét, huyện Châu Thành: 6 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 797 mét và thị xã Cai Lậy có 1 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 195 mét.
Ngoài những điểm sạt lở nhỏ được tỉnh đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách cấp tỉnh để xử lý, Ủy ban nhân dân tỉnh còn kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để xử lý các điểm sạt lở lớn. Cụ thể như sau: Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (đoạn 3), xã Tân Phong, huyện Cai Lậy dài 912m, kinh phí 120,156 tỷ đồng (Trong đó: Trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng, Ngân sách tỉnh là 20,156 tỷ đồng) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1594/QĐ-UBND, ngày 03/6/2022 và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án 3 năm (từ năm 2022 đến 2024).
Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh giao các địa phương kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở mới, phân loại xây dựng kế hoạch, lộ trình khắc phục cụ thể bằng các nguồn vốn đầu tư huy động được như: Vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã, vốn nhân dân và các nguồn hỗ trợ khác đồng thời ưu tiên tổ chức di dời nhà ở, công trình công ích xã hội…đến nơi an toàn nhằm đảm bảo về an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, không để sự cố đáng tiếc xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh còn triển khai phương án trồng cây chắn sóng, chắn gió, làm kè giữ và nuôi trồng lục bình phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh rạch nhằm chủ động ứng phó sạt lở một cách hiệu quả.