Xung quanh vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh - Phó chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Để chủ động ứng phó hạn, mặn mùa khô 2021-2022, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị cùng phương án ứng phó với hạn, mặn. Ngoài việc bảo vệ sản xuất của người dân, vấn đề cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các huyện phía Đông được hết sức quan tâm.
Để đảm bảo cấp nước cho người dân các huyện phía Đông, đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã triển khai đắp đập Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn xâm nhập từ sông Tiền vào để đảm bảo nguồn nước cho hai tỉnh Tiền Giang và Long An, bảo đảm cấp nước cho 800 ngàn người dân ở thành phố Mỹ Tho và các huyện phía Đông. Ngoài việc đắp đập, ngăn mặn, trữ ngọt, tỉnh đã vận hành các giếng dự phòng để cấp nước cho nhà máy nước Đồng Tâm cũng như nhà máy nước Bình Đức để đem nguồn nước về cho các huyện phía Đông. Song song đó, trong phương án của tỉnh đã vận hành ba giếng dự phòng ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo để cấp nước cho người dân các huyện phía Tây của thị trấn để đảm bảo nguồn nước của nhà máy nước Đồng Tâm và nhà máy nước Bình Đức đưa về các huyện phía Đông. Ngoài ra, tỉnh cũng mở thêm các vòi nước công cộng để cho người dân ở ven sông, kênh rạch chưa có nguồn nước đến để lấy nước về cho sinh hoạt.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai các tuyến ống nước cũng như các trạm tăng áp để đưa nước từ nhà máy nước Đồng Tâm cũng như nhà máy nước Bình Đức về các trạm cấp nước và từ các trạm cấp nước về các khu vực mà nước chưa đến để người dân tiếp cận các nguồn nước. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện phía Đông, Trung tâm cấp nước sinh hoạt nông thôn tổ chức trữ nước tại các ao, vào thời điểm nước ở các sông ngọt thì công ty cũng đã bơm để tích trữ nước nhằm đảm bảo cấp đủ nước cho người dân trong mùa khô 2021-2022.
Qua hạn, mặn mùa khô lịch sử 2015-2016, đặc biệt là trong đợt hạn, mặn 2019-2020, tỉnh đặt ra vấn đề trữ ngọt, ngăn mặn là rất quan trọng, đặc biệt là vấn đề trữ ngọt, nếu ngăn mặn tốt mà không trữ ngọt thì không có nguồn bổ cấp và ngăn mặn không hiệu quả. Do đó, rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn vừa qua, trong mùa khô năm 2021-2022, tỉnh đã xây dựng phương án ngay khi kết thúc đợt hạn, mặn năm 2020-2021, phương án đưa ra rất cụ thể cho từng giải pháp để trên cơ sở đó chúng ta bám chặt phương án để triển khai.
Phương án dựa trên các nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn của Trung ương cũng như của tỉnh và xây dựng phương án thành 3 khu vực: mặn xâm nhập về hướng sông Vàm Cỏ, mặn xâm nhập từ hướng sông Tiền và mặn xâm nhập từ hướng sông Hàm Luông. Trên cơ sở 3 hướng như vậy, chúng ta xác định hướng xâm nhập mặn để đưa ra giải pháp cụ thể cho từng vùng. Thứ nhất là vùng ngọt hóa Gò Công, thứ hai là vùng Bảo Định mở rộng sang vùng kiểm soát lũ, thứ ba là các xã cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp; đến thời điểm hiện nay công tác dự báo của tỉnh tương đối chính xác nên đề ra các giải pháp, phương án một cách đồng bộ và hiệu quả.
Các giải pháp ứng phó chủ động và kịp thời, không để thiên tai gây thiệt hại cho các vùng sản xuất chuyên canh, không chỉ giúp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội khi tỉnh chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022 và các năm tiếp theo mà còn đặt nền tảng để địa phương phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu trong tương lai.