Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo viên pháp luật triển khai nội dung của Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 chương, 54 điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực và quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Luật An toàn thông tin mạng là bước khởi đầu hoàn thiện khung pháp lý về an toàn thông tin một cách đồng bộ, khả thi, phát huy tối đa các nguồn lực để bảo đảm an toàn thông tin mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015. Xét góc độ pháp lý, trưng cầu ý dân là một trong những cách thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.