Đề cương tuyên truyền 70 năm Chiến thắng Cổ Cò (22-01-1947 – 22-01-2017)

Thứ hai - 16/01/2017 03:27
Những bài học về sự lãnh đạo của Đảng, về quá trình chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, về xây dựng quyết tâm, táo bạo rút ra từ chiến thắng Cổ Cò đã được nhân lên, phát huy trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Với ý nghĩa đó, chiến thắng Cổ Cò mãi mãi là một dấu son chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
Bia ghi ý nghĩa về trận đánh Cổ Cò và Bảng vàng ghi công tại di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò. (Nguồn: Sở VHTT&DL)
Bia ghi ý nghĩa về trận đánh Cổ Cò và Bảng vàng ghi công tại di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò. (Nguồn: Sở VHTT&DL)
I. Bối cảnh lịch sử

Sự thất bại của quân Pháp trong triển khai kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" và chính sách "Nam Kỳ tự trị" chỉ tồn tại trên hình thức nên thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra cả nước, phần lớn lực lượng quân Pháp dồn ra chiến trường Bắc bộ để thực hiện kế hoạch đánh chiếm miền Bắc.

Mưu đồ mở rộng chiến tranh ngày càng lan rộng cả nước, gây tình hình ngày càng căng thẳng. Sáng 19-12-1946, thực dân Pháp gửi thư đòi tước vũ khí các lực lượng vũ trang và buộc Chính phủ ta phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến.

Trước tình hình đó, trưa ngày 19-12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng điện khẩn cấp cho các chiến khu, với nội dung: Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí của quân đội, tự vệ và công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy, chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn Pháp sẽ nổ súng. Và Trung ương chỉ thị: "Tất cả hãy sẵn sàng".

20 giờ ngày 19-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng: "Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến!... Toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung - Nam - Bắc nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận, giết giặc, cứu nước". Đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến của nhân dân cả nước ta bùng nổ.

Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

"Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.


Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Ở chiến trường Nam bộ, chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp bị thất bại hoàn toàn. Chúng buộc phải chuyển sang kế hoạch bình định lấn chiếm lâu dài và triển khai chiến lược "dùng người Việt đánh người Việt", "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh".


Tình hình chiến trường tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công có những chuyển biến lớn. Ngay từ đầu tháng 12-1946, số quân đóng ở những đồn bót nhỏ, lẻ của giặc Pháp đóng ở nông thôn và vùng mới lấn chiếm đều phải rút bỏ để tập trung lực lượng chi viện cho Bắc bộ. Đầu năm 1947, quân số của địch ở địa bàn Mỹ Tho giảm 18%, chúng tỏ ra lúng túng khi phải co lại phòng ngự để củng cố lực lượng, tuyển mộ thêm lính, lôi kéo các phần tử phản động trong các tôn giáo theo chúng để đóng đồn bót, tháp canh, kiểm soát các vùng đô thị và ven đô thị, các cứ điểm và các trục lộ giao thông thiết yếu như lộ 4, các tỉnh lộ, liên tỉnh lộ, nhằm bao vây, chia cắt, khống chế những vùng còn lại.

Để thực hiện kế hoạch bình định vùng chiếm đóng, thực dân Pháp ra sức khủng bố những người yêu nước, đàn áp phong trào cách mạng, tuyển mộ thêm ngụy quân, củng cố hệ thống đồn bót và tháp canh dày đặc để kiểm soát các vùng đô thị và vùng ven đô thị, nhưng tinh thần của binh lính Pháp đã sút kém hẳn, chúng tỏ ra hoang mang, lo sợ vì cục diện đã thay đổi không có lợi cho chúng. Thực dân Pháp củng cố bộ máy tay sai, đưa sĩ quan Pháp đứng đầu tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công, thành lập các ban tề ở các vùng chúng kiểm soát.

Các tôn giáo trong tỉnh bị phân hoá, phần lớn các tín đồ gia nhập vào Công giáo cứu quốc, Phật giáo cứu quốc, đứng vào Mặt trận Việt Minh, có cảm tình với cách mạng và có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Một số chức sắc tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo bị thực dân Pháp lợi dụng mua chuộc, đã có những hoạt động quấy rối, phá hoại, làm cho tình hình ở một số huyện trong tỉnh trở nên căng thẳng. Tuy vậy, đa số tín đồ có ý thức dân tộc đã phản đối những chức sắc đầu sỏ làm tay sai cho Pháp, do đó càng về sau càng giảm bớt sự căng thẳng ở những vùng có khu tập trung của đạo Cao Đài và Hòa Hảo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Căn cứ vào tình hình và âm mưu mới của thực dân Pháp, căn cứ tương quan lực lượng giữa hai bên, Đảng bộ hai tỉnh đã kịp thời đề ra các chủ trương để phát triển lực lượng về mọi mặt, đưa cuộc kháng chiến phát triển toàn diện.

II. Đặc điểm tình hình

Về chính trị, Đảng bộ Mỹ Tho chủ trương củng cố cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, kiện toàn các cấp ủy từ huyện đến xã. Nhanh chóng phục hồi phong trào kháng chiến, củng cố lại hệ thống tổ chức và hệ thống chính quyền từ tỉnh xuống xã. Đối với các đoàn thể cứu quốc, chú trọng phát triển về chất lượng, trên cơ sở đó phát triển Đảng; mở các đợt học tập, giáo dục các tín đồ tôn giáo và có chính sách đối với tôn giáo, nhất là đạo Cao Đài ở Gò Công và Phú Mỹ (huyện Châu Thành). Kiên quyết chống phá âm mưu địch lợi dụng tôn giáo.

Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, mở rộng chính sách Mặt trận để tập hợp các lực lượng kháng chiến. Mở các lớp đào tạo cán bộ Mặt trận để xây dựng phong trào. Phát triển công tác địch vận. Chỉ đạo cán bộ bám sát cơ sở, xây dựng cơ sở quần chúng. Củng cố các tổ chức công đoàn, thực hiện chính sách khen thưởng và kịp thời phát động các phong trào kháng chiến.

Về kinh tế, Đảng bộ Mỹ Tho chủ trương thực hiện bao vây kinh tế địch, ban hành các sắc lệnh cần thiết để tẩy chay kinh tế địch, bảo vệ kinh tế vùng giải phóng. Thực hiện chính sách tạm cấp ruộng đất cho những người không có đất và thiếu đất, nhằm động viên mọi người "nhường cơm sẻ áo" để giải quyết vấn đề người cày có ruộng. Thành lập Ban kinh tế tài chính, đánh thuế xuất, nhập hàng hóa và xây dựng tài chính cung ứng cho kháng chiến.

Về quân sự, Đảng bộ Mỹ Tho chủ trương phân vùng chiến lược để có những kế hoạch phát triển lực lượng thích hợp cho từng vùng. Xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, nhất là xây dựng các đội vũ trang tuyên truyền và du kích liên xã để phát triển du kích chiến tranh. Thành lập các huyện đội, thị đội và bộ đội địa phương quận. Lập các mặt trận và mở các chiến dịch phá hoại, chống kế hoạch mở rộng vùng chiếm đóng của giặc Pháp. Đẩy mạnh công tác trừ gian, diệt tề, thanh trừ bọn cướp bóc, tổ chức các đội canh gác. Đẩy mạnh công tác phá hoại giao thông, bao vây đồn bót, phá rối địch tại các vùng chúng đóng quân. Kiên quyết bảo vệ khu căn cứ.

Về văn hoá - xã hội, Đảng bộ Mỹ Tho chủ trương mở rộng bình dân học vụ, xây dựng nông thôn mới, nếp sống mới. Phát triển dân y.

Đầu năm 1947, để cuộc kháng chiến phát triển toàn diện, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Tỉnh ủy Gò Công chủ trương kiện toàn bộ máy quân sự từ tỉnh đến quận, xã. Tỉnh đội dân quân hai tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công được thành lập. Đồng chí Đoàn Hữu Huynh làm Tỉnh đội trưởng tỉnh Mỹ Tho; đồng chí Ngô Văn Diện làm Tỉnh đội trưởng tỉnh Gò Công. Các quận phát triển từ tự vệ chiến đấu quân thành đại đội dân quân. Các xã thành lập trung đội dân quân làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ xóm làng.

Chiến tranh du kích được phát động toàn diện, từ năm 1947, quân và dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công đã biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta. Du kích khắp nơi đã kết hợp với các phong trào quần chúng tiến hành những cuộc phá hoại các cơ sở địch, diệt bọn ác ôn. Trong các thị xã, tiếng súng của quân du kích không ngừng uy hiếp địch, làm cho hậu phương địch mất an toàn.

Dựa trên cơ sở các phong trào quần chúng, năm 1947, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công thành lập tòa án quân sự, nhằm giữ vững trật tự xã hội. Các phiên tòa đều được xét xử công khai, một số tên phạm tội phản quốc, làm tay sai cho giặc, phá hoại kháng chiến đều bị nhân dân lên án và được xử đúng người, đúng tội.

Để thực hiện âm mưu mở rộng vùng chiếm đóng, tăng cường mật độ chiến tranh nhằm thủ tiêu ý chí đấu tranh giành tự do độc lập của nhân dân ta, thực dân Pháp đã mở nhiều cuộc càn quét lớn vào các vùng nông thôn, nhất là vùng Đồng Tháp Mười. Chúng huy động nhiều lực lượng tham gia càn quét hòng tìm diệt quân chủ lực ta, đánh phá các cơ quan đầu não của khu và của tỉnh. Tình hình mới đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho nhiều vấn đề phải giải quyết. Để đánh tan các kế hoạch mở rộng phạm vi chiếm đóng của giặc Pháp, ta phải tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển lực lượng vũ trang và các phong trào cách mạng, mà điều quyết định trên chiến trường là những đòn tấn công lớn của các lực lượng vũ trang để tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực địch, buộc địch phải co thủ, chống đỡ ở các căn cứ.

III. Diễn biến

Để đưa cuộc kháng chiến trong toàn tỉnh phát triển kịp thời với tình hình chung của chiến trường Nam bộ, Tỉnh ủy Mỹ Tho, Tỉnh ủy Gò Công chủ trương kiện toàn bộ máy chỉ huy quân sự từ tỉnh xuống quận đến xã. Lúc này các quận chưa tổ chức được lực lượng tập trung, nhưng tự vệ chiến đấu quân đã phát triển thành đại đội dân quân. Xã có trung đội dân quân làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ xóm làng.

Cùng với việc thành lập hệ thống chỉ huy từ tỉnh đến xã, chỉ huy chiến đấu ở địa phương, các tổ chức quân nhu (tài chính, tiếp liệu, quân lương, quân trang, tự túc...), quân giới (là binh công xưởng cấp tỉnh, quận, xã tổ vũ khí), quân y (tỉnh, quận có trạm xá, xã có trạm y tế) cũng được thành lập cho công tác phục vụ chiến đấu, bảo đảm chiến đấu. Trạm y tế giải quyết điều trị cho cả dân quân, du kích, cán bộ và nhân dân.  

Đi đôi với việc duy trì và đẩy mạnh chiến tranh du kích tiêu hao, quấy rối, diệt ác phá tề, Tỉnh ủy Mỹ Tho, Gò Công chỉ đạo các huyện nghiên cứu, điều tra quy luật hoạt động của địch tổ chức đánh thắng một số trận đầu nhằm thúc đẩy phong trào đánh giặc của toàn tỉnh.

Ở Mỹ Tho, qua trinh sát theo dõi nắm chắc tình hình tiểu đoàn Né-on (Tiểu đoàn anh hùng quân đội Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ II) đang cùng quân địa phương càn quét dài ngày ở Chợ Mới, Long Châu Tiền (nay thuộc An Giang), sắp kết thúc hành quân sẽ rút về Sài Gòn. Để tiêu diệt tiểu đoàn này, Chi đội 18 (Sa Ðéc) do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến chỉ huy, Chi đội 17 (Mỹ Tho) do đồng chí Nguyễn Văn Ty và Đại đội học viên Trường Quân chính Khu 8 tổ chức trận địa phục kích từ cầu Bà Tồn (Cai Lậy) đến bến phà Mỹ Thuận (Cái Bè) cách 1 km. Khu vực chính từ cầu Hòa Khánh đến An Hữu, quyết chiến điểm từ Bà Lâm đến Cổ Cò. Lực lượng tham gia trận đánh ngoài các đơn vị trên, còn có lực lượng Quốc vệ đội và du kích xã An Thái Đông, Hoà Khánh, An Hữu, Hậu Mỹ, Thiên Hộ, Mỹ Thuận của Cái Bè tham gia.

Đêm 30 Tết Đinh Hợi, trong tiếng pháo mừng xuân của nhân dân, tất cả lực lượng bí mật vào chiếm lĩnh trận địa. 10 giờ 30 ngày 22 tháng 01 năm 1947, đoàn xe quân sự chở đầy lính, có xe thiết giáp bảo vệ đã lọt vào trận địa phục kích của ta. Phía cầu Rạch Miễu, tiếng mìn khóa đầu đã nổ, diệt ngay chiếc xe đi đầu. Đoàn xe phía sau tiếp tục dồn tới, đậu kín cả đoạn lộ tại Cổ Cò, xã An Thái Trung. Các đơn vị nổ súng xung phong mãnh liệt, bọn địch bị đánh bất ngờ nên chống trả yếu ớt và bỏ chạy tán loạn, chỉ còn chiếc xe cuối cùng tiếp tục chống trả quyết liệt. Ba đồng chí Phuông, Kế, Tâm - học viên Trường Quân chính bò cặp theo bờ lộ. Đồng chí Phuông bất ngờ nhảy lên thiết giáp, dùng tiểu liên, lựu đạn diệt bọn lính trong xe, nhưng không thành. Đồng chí Phuông trúng đạn hy sinh, ta phải dùng rơm phóng lửa để diệt xe. Ta làm chủ trận địa, thu dọn chiến trường. Trên hướng Mỹ Thuận, đến 12 giờ cùng ngày, ta diệt gần hết số địch tháo chạy trở về hướng Mỹ Thuận. 13 giờ, Chi đội 17 chặn đánh thiệt hại nặng 1 đại đội địch từ Mỹ Tho đến cứu viện. Sau 2 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt tiểu đoàn cơ giới của Pháp, diệt 170 tên, bắt 15 tên, phá hủy toàn bộ 8 xe thiết giáp, 6 xe vận tải chở quân lương và thực phẩm, thu hơn 100 tiểu liên, 15 trung liên, 12 súng ngắn. Ta hy sinh 3, bị thương 2 người (Trường Quân chính Khu 8).

IV. Nguyên nhân thắng lợi

- Xác định chủ trương đúng đắn, điều tra nắm địch, cài thế, xây dựng kế hoạch tác chiến, chuẩn bị lực lượng và quá trình thực hành chiến đấu phục kích, trong đó việc chuẩn bị lực lượng cho trận đánh giữ vai trò quan trọng.     
   
- Trên cơ sở quán triệt đường lối, nhiệm vụ đấu tranh, các cấp ủy Đảng ở khu, tỉnh, quận, xã đã kiên trì và nhạy bén phát động quần chúng xây dựng lực lượng chính trị, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang.  
       
- Chính trong quá trình khôi phục và phát triển lực lượng vũ trang ở tỉnh Mỹ Tho bắt đầu từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Cổ Cò.

V. Ý nghĩa lịch sử

Một là, chiến thắng Cổ Cò có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với quân dân Khu 8 nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội Khu 8 và tỉnh Mỹ Tho về trình độ tổ chức chỉ huy, hợp đồng tác chiến đồng bộ giữa bộ đội chủ lực và dân quân du kích địa phương còn non trẻ; quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở địa phương ngày càng phát triển và lan rộng.

Hai là, chiến thắng Cổ Cò mang ý nghĩa to lớn, củng cố niềm tin và cổ vũ mạnh mẽ khí thế nổi dậy đấu tranh của quần chúng nhân dân toàn Nam bộ vào đầu mùa xuân năm 1947.         

Ba là, chiến thắng Cổ Cò là đòn đánh mạnh vào ý chí ngụy quân, ngụy quyền tay sai khiến chúng hoang mang, lo sợ trước sự lớn mạnh nhanh chóng của lực lượng vũ trang cách mạng. Thắng lợi của trận Cổ Cò đã gây chấn động trên toàn chiến trường Nam bộ. 

70 năm trôi qua, nhưng trận đánh Cổ Cò vẫn còn in đậm trong lòng quân dân tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Chiến thắng đó đã mở đường để cho quân dân Mỹ Tho và các tỉnh Nam bộ kết hợp nổi dậy và tiến công địch, góp phần to lớn trong việc tạo ra thế mới và lực mới để quân dân miền Nam tiếp tục giữ vững và phát triển thế tiến công chiến lược.

Những bài học về sự lãnh đạo của Đảng, về quá trình chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, về xây dựng quyết tâm, táo bạo rút ra từ chiến thắng Cổ Cò đã được nhân lên, phát huy trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Với ý nghĩa đó, chiến thắng Cổ Cò mãi mãi là một dấu son chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập335
  • Máy chủ tìm kiếm67
  • Khách viếng thăm268
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,672,734
  • Tổng lượt truy cập40,042,110
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây