Đặc điểm của Dịch tả heo Châu Phi và biện pháp phòng, chống
Bệnh Dịch tả heo Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài heo (cả heo nhà và heo rừng); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo.
Vi rút dịch tả heo Châu Phi có trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ heo nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi; lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo… nhiễm vi rút.
Vi rút dịch tả heo Châu Phi có sức đề kháng cao, tồn tại dai dẳng trong cơ thể heo, thịt heo, sản phẩm của heo, đặc biệt là thịt heo đông lạnh.
Bệnh dịch tả heo Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Tỷ lệ chết cao đến 100%. Heo nhiễm vi rút thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi rút dịch tả heo Châu Phi trong suốt cuộc đời.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị được bệnh dịch tả heo Châu Phi, vì vậy để ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn cần thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:
Khi chưa có bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện
Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi heo, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ heo và các sản phẩm của heo bằng vôi bột hoặc hóa chất và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ heo.
Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Tuân thủ các quy định về quản lý, vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển, buôn bán heo và các sản phẩm của heo.
Đối với cơ sở giết mổ, chế biến thịt heo, nghiêm cấm không được giết mổ heo khi nghi ngờ heo có biểu hiện bệnh, đồng thời phải dừng ngay việc giết mổ, thông tin cho cơ quan chuyên môn biết để kiểm tra xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi có bệnh dịch tả heo Châu Phi
Thông tin kịp thời cho nhân viên thú y, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất bất cứ khi nào phát hiện heo, các sản phẩm heo nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu.
Tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh và các đàn heo xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng. Không điều trị heo bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Tình hình dịch tả heo Châu Phi tại Tiền Giang và công tác chỉ đạo phòng, chống
Tiền Giang là cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua địa bàn tỉnh rất nhiều, trong đó có nguồn heo. Phương thức chăn nuôi trong tỉnh chủ yếu nhỏ, lẻ và xen lẫn trong các khu dân cư; mật độ chăn nuôi cao. Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng nhiều hộ nuôi heo chưa hiểu hết tính chất nguy hiểm của dịch tả heo Châu Phi, nên chưa thực hiện đúng các biện pháp an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, một số hộ nuôi vẫn còn sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt. Có trường hợp, chủ nuôi phát hiện heo nhiễm bệnh mang đi bán chạy hoặc giết mổ bán ra thị trường. Công tác chủ động, giám sát dịch bệnh ở địa phương còn lỏng lẻo. Một số địa phương chưa kiểm soát tốt công tác kiểm soát giết mổ, vẫn còn tình trạng giết mổ lậu xảy ra. Việc triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thường xuyên, chưa rộng khắp. Ngoài ra, Tiền Giang có hệ thống kinh, rạch dày đặc, giao thông thủy bộ đan xen nên rất khó kiểm soát.
Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có 55 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả heo Châu Phi với số heo tiêu hủy hơn 2,3 triệu con. Tại tỉnh Tiền Giang, dịch bệnh đã xuất hiện ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy. Lãnh đạo tỉnh, huyện, thành, thị, các ngành chuyên môn và người chăn nuôi đang tập trung ứng phó, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành trên 20 văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo Châu Phi, trong đó Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều công văn, quyết định, thông báo cũng như tổ chức các cuộc họp khẩn, kiểm tra thực tế ngày đêm tại cơ sở về phòng, chống dịch này. Cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 20-5-2019 của Ban Bí thư; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Công văn về việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo Châu Phi…
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ thành lập Tổ Kiểm tra thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các địa phương; giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc tiêu hủy heo bệnh và bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch theo tiêu chí 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động phòng, chống; đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, tuyên truyền về dịch tả heo Châu Phi, cấp phát 15.000 tờ rơi cho 11 huyện, thị, thành; chuyển 18.000 tờ rơi cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, 2.000 tờ rơi cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh… Tỉnh cũng cấp phát đầy đủ các phương tiện, vật tư cho địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch; ra quân tổng tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh, lập nhiều chốt kiểm dịch động vật hoạt động 24/24 giờ…
Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn, trong thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ các huyện, thị, thành trong công tác giám sát mẫu test nhanh các trường hợp nghi ngờ bệnh dịch tả heo Châu Phi; tổ chức kiểm tra công tác tiêu hủy đàn heo có kết quả dương tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi. Đồng thời, tỉnh tiếp tục phối hợp với các huyện, thị, thành rà soát và cung cấp đầy đủ, kịp thời các loại vật tư chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền xuống tận xã về dịch tả heo Châu Phi, duy trì các chốt kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ động vật và kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh…
Theo Bộ Y tế, dịch tả heo Châu Phi có tác nhân gây bệnh là vi rút nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả heo sang người. Do đó, người dân không cần hoang mang, tẩy chay thực phẩm là thịt heo an toàn, không bị bệnh dịch và chế biến hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, người dân cần nấu chín thịt heo trước khi ăn, tránh đi vào vùng dịch, nếu phát hiện heo chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng.
Trong lúc này, người chăn nuôi cần áp dụng nghiêm “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY
(Tổng hợp thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)