Tỉnh Tiền Giang có 15 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (11 đảng bộ cấp huyện, 01 Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, 3 đảng bộ lực lượng vũ trang: Công an, Quân sự, Biên phòng). Toàn tỉnh, có 493 chi bộ cơ sở, 289 đảng bộ cơ sở (2.699 chi bộ trực thuộc), với trên 51.800 đảng viên.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong toàn Đảng bộ theo Kết luận 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới; Hướng dẫn 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; để thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, ngày 12/12/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn 928-CV/TU để triển khai Kết luận của Ban Bí thư đến các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, cấp ủy huyện (tương đương) để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc để thực hiện.
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn 05-HD/BTCTU, ngày 01/11/2018 một số vấn đề nâng cao chất lượng chi bộ, theo từng loại hình cụ thể và được các cấp ủy đảng triển khai đồng bộ, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Nền nếp sinh hoạt chi ủy, sinh hoạt chi bộ hằng tháng, sinh hoạt chuyên đề được duy trì. Các chi ủy chi bộ chuẩn bị tốt các bước trước, trong và sau sinh hoạt, chuẩn bị tốt từ khâu nội dung, quy trình tổ chức buổi sinh hoạt bảo đảm theo hướng dẫn của Trung ương và tỉnh; nhiều chi bộ có sáng kiến, cách làm mới để đưa thông tin đến với đảng viên kịp thời, giúp đảng viên học tập nghị quyết, chỉ thị, nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có chất lượng, bám sát và thực hiện tốt theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ...
Việc triển khai thực hiện Hướng dẫn 12-HD/BTCTW về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; các cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng việc sinh hoạt chi bộ, xem đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được chú trọng, tập trung chỉ đạo thực hiện, phát huy hiệu quả các loại hình tổ chức đảng; các tổ chức đảng triển khai, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, chỉ đạo của tỉnh về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là đổi mới phương thức, nội dung sinh hoạt, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thực hiện tốt chế độ, lề lối sinh hoạt, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết của chi bộ, xem buổi sinh hoạt chi bộ là diễn đàn dân chủ để thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng; thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống, xây dựng đoàn kết thống nhất trong chi bộ.
Về sinh hoạt cấp ủy, chi bộ được duy trì và đã đi vào nền nếp; đảng viên tham dự sinh hoạt đầy đủ, đảm bảo tỷ lệ theo quy định, bình quân mỗi chi bộ tổ chức sinh hoạt 11,92 kỳ/năm; duy trì sinh hoạt chuyên đề thuồng xuyên. Những trường hợp đảng viên vắng sinh hoạt đều có đơn xin phép hoặc báo cáo trực tiếp với cấp ủy. Các cấp ủy chi bộ thực hiện tốt việc chuẩn bị tổ chức sinh hoạt lệ kỳ hàng tháng. Trước mỗi kỳ sinh hoạt, bí thư chi bộ hoặc chi ủy viên được phân công dự kiến nội dung, chương trình, dự thảo báo cáo, ấn định thời gian sinh hoạt chi ủy. Chi ủy họp thảo luận, thống nhất đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng trước và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong tháng tới; phân công chi ủy viên chuẩn bị nội dung, quyết định thời gian tổ chức sinh hoạt. Chi ủy hoặc bí thư chi bộ thông báo trước cho đảng viên về nội dung, thời gian, địa điểm sinh hoạt. Tỷ lệ đảng viên tham dự sinh hoạt chi bộ bình quân đạt 95,19%; thời gian sinh hoạt bình quân đạt 02 giờ/01 lần sinh hoạt, kể cả các buổi sinh hoạt đột xuất.
Về nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng: Các cấp ủy, chi bộ thông tin kịp thời, chính xác tình hình thời sự nổi bật trong nước, quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; phổ biến các chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của cấp ủy cấp trên để cán bộ, đảng viên trong chi bộ nắm vững và nghiêm túc thực hiện. Nội dung thông tin ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào những nội dung chính, trọng tâm và những nội dung có liên quan đến tình hình cơ quan, đơn vị, chi bộ.
Cấp ủy chi bộ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ tháng trước và đề ra nhiệm vụ, giải pháp tháng tới. Nội dung báo cáo thực hiện theo hướng dẫn của cấp trên, bám sát tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị; đánh giá những mặt được, chưa được, nêu ra những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc để chi bộ thảo luận đề ra giải pháp khắc phục; căn cứ chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, tình hình thực tiễn của chi bộ, cơ quan, đơn vị phân công nhiệm vụ cấp ủy viên, đảng viên chi bộ cụ thể, rõ ràng, phù hợp với khả năng của từng đảng viên để thực hiện có hiệu quả nghị quyết đã đề ra. Cấp ủy viên, nhất là bí thư chi bộ thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tham luận, thảo luận, góp ý và tổ chức lấy ý kiến của đảng viên; quyết định những vấn đề quan trọng của chi bộ; qua đó, đảng viên mạnh dạn thể hiện chính kiến, tham gia góp ý xây dựng nghị quyết của chi bộ hàng tháng.
Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, từng đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lý thể hiện trách nhiệm nêu gương, tự nhận những hạn chế, khuyết điểm của bản thân và phê bình những đảng viên có những hạn chế, khuyết điểm để sửa chữa, xây dựng chi bộ đoàn kết, vững mạnh. Phần lớn đảng viên nhận thấy những hạn chế, khuyết điểm, tự nhận trước tập thể và đưa ra giải pháp khắc phục. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm, mang tính xây dựng, góp ý thẳng thắn, chân tình.
Để thực hiện tốt các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó là:
Thứ nhất, tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định về nêu gương của Trung ương, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ, của cấp ủy cấp trên; nội dung sinh hoạt bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu để chi bộ thật sự là nơi giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ, nhất là nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng; xem đây là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu quyết định việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy cấp trên trực tiếp thực hiện tốt công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí trẻ hóa đội ngũ chi ủy viên, bí thư chi bộ ở khu dân cư, ấp, khu phố; chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư chi bộ và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Tiếp tục thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu phố; nhân sự bí thư chi bộ ấp, khu phố cần lựa chọn từ những đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, năng lực, bản lĩnh, nhiệt tình với công tác xây dựng Đảng, có khả năng tập hợp, quy tụ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở địa phương; các chi bộ cơ quan, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước cần bố trí thủ trưởng cơ quan, đơn vị giữ chức vụ bí thư cấp ủy, chi bộ, để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Thứ ba, đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải gương mẫu thực hiện tốt nền nếp sinh hoạt chi bộ; thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng Đảng ở chi, đảng bộ đang sinh hoạt; gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình, thẳng thắn đấu tranh với những quan điểm sai trái, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các tổ chức đảng, đảng viên tiêu biểu, đồng thời kiên quyết xử lý tổ chức đảng, đảng viên sai phạm.
Thứ tư, tiếp tục phân công ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên, lãnh đạo các Ban đảng phụ trách địa bàn trực tiếp theo dõi, hướng dẫn và tham dự sinh hoạt đảng với cấp ủy, chi bộ nơi được giao phụ trách để nắm bắt tình hình sinh hoạt chi bộ, chủ động, trao đổi, hướng dẫn; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những mặt hạn chế, thiếu sót trong tổ chức sinh hoạt chi bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chế độ sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; gắn việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Coi trọng sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến và nhắc nhở, uốn nắn những nơi chưa thực hiện tốt; trong tổng kết hàng năm, cấp ủy cấp trên chỉ đạo cấp ủy cơ sở, chi bộ đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ thời gian tới.