Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 64 điểm sạt lở trên tổng chiều dài gần 2.200 m. Sạt lở nặng tập trung tại các huyện: Cái Bè với 27 điểm, chiều dài 1.135 m; huyện Cai Lậy có 15 điểm sạt lở, chiều dài 566 m; huyện Châu Thành có 17 điểm sạt lở, chiều dài 362 m; thành phố Mỹ Tho có 4 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 200 m,…
Một số điểm sạt lở nặng là bờ đông sông Phú Phong (huyện Châu Thành), bờ đông và tây kênh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành); bờ tây sông Ba Rày (xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy); bờ đông sông Cái Bè (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè),… Các đoạn sạt lở tại đây kéo dài khoảng 100 m/ đoạn sạt lở. Có nơi như ở xã Đông Hòa Hiệp và xã Hội Xuân, sạt lở đã làm mất đường sá, giao thông gián đoạn và đe dọa tính mạng, tài sản nhân dân.
Ông Lê Văn Thôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hội Xuân cho biết, điểm sạt lở ở bờ tây sông Ba Rày thuộc địa bàn ấp Xuân Quang, xã Hội Xuân hết sức nghiêm trọng, đã làm mất một đoạn đường giao thông vừa là đê bao ngăn lũ và triều cường bảo vệ vườn cây ăn quả chuyên canh. Chiều dài đoạn đường bị sạt ở gần 100 m.
Anh Trần Văn Bé Chín, nông dân địa phương cho biết, con đường tây sông Ba Rày người và phương tiện qua lại rất đông, nhất là các cháu học sinh đến trường và thương lái vào thu mua sản phẩm của nông dân. Rất may, sạt lở xảy ra vào ban đêm nên không gây thiệt hại về người. Theo quan sát của phóng viên, bờ sông trên đoạn sạt lở đã lấn sâu vào đến mép vườn trồng sầu riêng chuyên canh của anh Bé Chín. Tại đây, dòng chảy sông Ba Rày đang tiếp tục xoáy thẳng vào bờ, đe dọa gây thêm nhiều thiệt hại trong thời gian tới.
Tương tự, ở Cái Bè, đoạn sạt lở trên sông Cái Bè đã làm mất một đoạn đường giao thông trước cổng UBND xã Đông Hòa Hiệp với chiều dài hàng trăm mét. Trước tình hình trên, tỉnh dự kiến phải đầu tư khẩn cấp trên 20 tỉ đồng để khắc phục sạt lở. Trong đó, các điểm sạt lở nặng, phức tạp tỉnh đảm trách khảo sát, thiết kế và thi công. Các điểm sạt lở nhỏ, không phức tạp giao cho các huyện, thành, thị tổ chức khắc phục.
Ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết, hiện nay, tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, không theo qui luật và xảy ra thường xuyên bất kỳ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên, nguy cơ cao vẫn là trước và sau mỗi mùa lũ hàng năm. Trước mắt, đối với những điểm sạt lở phức tạp, tỉnh chọn những phương án xử lý khả thi nhất kể cả kiên cố hóa đoạn sạt lở bằng các phương tiện thi công cơ giới. Các điểm sạt lở nhỏ, ít phức tạp thì khuyến cáo địa phương khắc phục bằng những giải pháp bán kiên cố kết hợp trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình để gây bồi,… Ngoài ra, còn kết hợp giữa xử lý sạt lở với thực hiện các biện pháp tổng hợp thích ứng biến đổi khí hậu nhằm chủ động trong phòng chống sạt lở, không để thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.