Đoàn khảo sát đã xem 3 trường hợp có biểu hiện ở da vùng vai, cánh tay, ngực với nền đỏ hơi cộm, dài từ 1-5cm, rộng từ 3-10 mm, trên đó có mụn và phỏng nước ở giữa, hơi lõm, cảm giác rát bỏng tại chỗ. Do có một lớp sinh viên đang học nên không thể quan sát tất cả các trường hợp viêm da.
Theo thống kê đến 15 giờ ngày 11/12/2012 của nhà trường, tổng số sinh viên bị viêm da là 30 (sinh viên Trường CĐYT là 26, sinh viên Trường BCVT&CNTT là 04). Đoàn khảo sát phát hiện có xác kiến khoang chết ở các phòng của sinh viên, bắt được 01 kiến khoang sống đem về Chi cục Bảo vệ thực vật tiến hành phân loại và nghiên cứu đặc tính để tìm biện pháp xử lý thích hợp.
Thông qua báo cáo của Phòng Y tế nhà trường và các em sinh viên, tình trạng viêm da do côn trùng xảy ra nhiều năm tại trường, tăng theo mùa; đã có nhiều đơn vị chuyên môn đến khảo sát và xác định viêm da tiếp xúc do kiến khoang gây ra; có tư vấn và hướng dẫn cách phòng tránh, diệt kiến khoang bằng hóa chất; nhà trường cũng có in tờ bướm hướng dẫn cho sinh viên nội trú về bệnh viêm da kiến khoang và cách thức phòng tránh. Các sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế có biểu hiện bệnh lần này đều biết là bệnh viêm da do kiến khoang nên tự mua thuốc điều trị và không báo cáo cho Phòng Y tế của trường. Trong khu ký túc xá thường xuất hiện kiến khoang trong phòng vào ban đêm, đặc biệt là sau những đợt mưa.
Đoàn khảo sát đã tổ chức họp với Ban Giám hiệu, Phòng Hành chính quản trị, bộ phận quản lý ký túc xá và Phòng Y tế của trường để thống nhất các phương án về quản lý, kiểm soát, báo cáo ca bệnh như tiếp tục thông báo tình hình viêm da do kiến khoang, in các tờ bướm và tài liệu hướng dẫn cấp cho tất cả sinh viên nội trú, nếu có ca mắc phải thông báo cho bộ phận quản lý ký túc xá và đến Phòng Y tế nhà trường để được cấp thuốc, hướng dẫn cách điều trị. Đoàn khảo sát cũng đề nghị các biện pháp kiểm soát tác nhân gây viêm da như thiết lập hệ thống đèn chiếu sáng cách xa khu vực nhà ở nhằm hạn chế sự tiếp xúc của côn trùng với người; tắt đèn khi ngủ; sử dụng hoá chất diệt côn trùng trong những đợt cao điểm sau khi dùng đèn dẫn dụ để giảm số lượng côn trùng...
Đối với cá nhân các sinh viên, phải dọn vệ sinh hàng ngày, các đồ dùng cá nhân, khăn mặt khi tắm rửa chú ý giũ mạnh; chú ý tránh tiếp xúc với loài kiến này; nếu lỡ tiếp xúc, tránh đập, quệt tay, chà xát kiến lên da khi có cảm giác kiến rơi vào cổ, mặt, lưng... Khi thấy rát ở một vùng da có thể chấm dung dịch nước muối, sử dụng thuốc sát trùng tại chỗ dạng nước như xanh Methylen, Milian... để ngăn không nổi thành mụn nước, phỏng mủ.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Da liễu phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị chức năng tiến hành khảo sát mật độ côn trùng, hướng dẫn cách thức xử lý những trường hợp bệnh và cách thức phòng ngừa; chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe để thông tin, hướng dẫn cho người dân biết về các triệu chứng, cách thức xử trí cũng như các biện pháp phòng ngừa trong cộng đồng.
Sở Y tế cũng đề nghị Trường Cao đẳng Y tế và Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin tăng cường quản lý sinh viên, theo dõi sát diễn tiến của đợt viêm da do kiến khoang; thực hiện đúng các quy định về thông tin, báo cáo tình hình sức khoẻ cũng như tình hình viêm da do kiến khoang đến các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật khảo sát mật độ côn trùng, tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng đạt hiệu quả cao nhất.
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế,... có rất nhiều người khi tiếp xúc với kiến khoang có biểu hiện ngứa, nổi bọng nước, viêm loét da,...
Nguồn tin: tiengiang.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn