Tọa đàm khoa học "Tiền Giang với việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn nữa nội dung, tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn của bản Di chúc đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta, củng cố thêm niềm tin vững chắc vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới. Đồng thời, là dịp đánh giá những thành quả cũng như những mặt còn hạn chế trong việc triển khai thực hiện Di chúc của Bác, ra sức phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa những điều căn dặn của Người, thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng đi vào thực chất, đạt kết quả cao hơn, thiết thực hơn.
Có 42 bài tham luận gởi đến Ban tổ chức và nhiều ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm. Các tham luận đã tập trung làm rõ một số nội dung quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới; tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng thế giới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm Về công tác xây dựng Đảng
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, 45 năm qua, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang hết sức coi trọng và luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là điều kiện có tính quyết định bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa đã xây dựng nhiều nghị quyết, chương trình hành động về xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Bên cạnh triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để các nghị quyết, công tác xây dựng Đảng còn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bàn về vấn đề này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận xét: Công tác cán bộ của tỉnh từng bước đi vào nền nếp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp ngày càng được nâng lên; số lượng và cơ cấu cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng thể hiện trong Di chúc với tư cách là sự kết tinh tư tưởng của Người về vấn đề này, vốn được hình thành và phát triển suốt trong toàn bộ quá trình Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, thực sự là những chỉ dẫn lý luận có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu giá trị thực tiễn của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhận định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc sẽ ngày càng phát triển, hoàn thiện cùng với thực tiễn phát triển của đất nước. Tư tưởng ấy vẫn là ngọn nguồn tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam để tiếp tục đi tới thắng lợi và thành công trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị cốt lõi và xuyên suốt là quan điểm vì con người và giải phóng con người - một triết lý nhân sinh mà Người đã dày công vun đắp. Thạc sĩ Nguyễn Kiêm Ái - Trưởng Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh Trường Chính trị Tiền Giang nhấn mạnh: “Giá trị cốt lõi trong toàn bộ Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng và dân tộc ta là tư tưởng nhân văn; với bản chất cách mạng, khoa học, thể hiện sự kế thừa phát triển các giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc Việt Nam, tinh hoa tư tưởng nhân văn của nhân loại, tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Vấn đề con người trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc là tình yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Người căn dặn phải có một chính sách đặc biệt đối với mọi tầng lớp nhân dân đã vì Tổ quốc mà hy sinh. Người chỉ rõ, đối với người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp cho họ, để họ có được hành trang cần thiết bước vào cuộc sống tự lập, tự lực cánh sinh.
Các tham luận nêu rõ suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, Hồ Chí Minh "chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người chỉ rõ: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Trong thực hiện chính sách con người, phát huy nguồn lực con người, Người đã đề cập công việc cụ thể, đến từng đối tượng trong xã hội.
Trong tham luận về nội dung “Đẩy mạnh thi đua sản xuất, không ngừng cải thiện và từng bước nâng cao đời sống cho nông dân theo tinh thần Di chúc của Bác”, Hội Nông dân tỉnh nêu rõ: “Cùng với cả hệ thống chính trị, tổ chức Hội Nông dân với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của giai cấp nông dân đã tích cực học tập, phấn đấu khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Chúng tôi luôn xác định góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, hỗ trợ giúp đỡ cho nông dân trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình chính là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Hội Nông dân các cấp”.
Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã có nhiều biện pháp phát triển kinh tế - xã hội để làm cho dân ta ngày một ấm no, hạnh phúc; đã phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, trực tiếp vận động bà con nông dân tích cực mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng đưa những giống cây, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình từ quy mô nhỏ đến các trang trại, gia trại.
Về chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ
Các bài tham luận khẳng định thực hiện Di chúc của Người, Đảng luôn coi thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng. Tham luận về “Thực tiễn công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang khẳng định: “Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, thế hệ trẻ Tiền Giang luôn khắc ghi lời dặn dò của Bác. Tất cả đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức sáng tạo, sức trẻ, dám nghĩ, dám làm; tích cực say mê học tập, nghiên cứu lý luận, khoa học công nghệ áp dụng vào lao động sản xuất để cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới”.
Vấn đề thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Trong những năm qua, cấp ủy các cấp, Tỉnh Đoàn, các cơ quan chức năng đã tổ chức quán triệt quan điểm của Đảng đối với đoàn viên, thanh, thiếu niên; tăng cường công tác giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức trong nhà trường, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên. Nhiều phong trào do thanh niên phát động đã thu được kết quả khả quan và mang lại hiệu ứng lan tỏa, tích cực trong xã hội. Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay.
Các đại biểu nhấn mạnh thực hiện Di chúc của Bác Hồ, cần phải tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác giáo dục về mọi mặt cho thế hệ trẻ, đào tạo họ thành những chiến sĩ trung kiên của Đảng, của cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Ngoài các nội dung nêu trên, các tham luận tại tọa đàm một lần nữa khẳng định: cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và sẽ mãi là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta học tập, noi theo. Dù 45 năm đã trôi qua nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chứa đựng giá trị văn hóa tiêu biểu, những tư tưởng nhân văn sâu sắc, những quan điểm vượt tầm thời đại về xây dựng Đảng ta, về chiến lược xây dựng con người Việt Nam, về con đường cách mạng Việt Nam… Từ giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc lịch sử, các bài tham luận cũng tập trung phân tích rút ra những bài học thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.