Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “trách nhiệm” là bổn phận phải làm của mỗi người, mà trách nhiệm này là không thể thoái thác. Mỗi người phải tự xác định trách nhiệm mình phải làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm đầu tiên là trách nhiệm với Tổ quốc; thứ đến là mỗi người đều có trách nhiệm với gia đình, với quê hương; trách nhiệm với nhân dân, cộng đồng dân tộc; đối với cán bộ, đảng viên, công chức có trách nhiệm đối với Đảng, với Chính phủ. Mỗi người được giao công việc phải có trách nhiệm với công việc của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về trung thực, trách nhiệm. Trung thực và trách nhiệm với mình, với người, với việc được thể hiện trong tư tưởng và lẽ sống của Người.
Trong bối cảnh đất nước bị đô hộ, Bác đã thể hiện là người có trách nhiệm đối với Tổ quốc, là sự tự thôi thúc trong bản thân mình, trách nhiệm của một người dân mất nước phải tìm con đường để cứu nước, giành lại nền độc lập cho dân tộc - một trách nhiệm gần như mang tính di truyền, bẩm sinh của người Việt Nam.
Khi tìm được con đường cứu nước rồi, Bác tự xác định trách nhiệm là phải truyền con đường đó, tinh thần đó, chủ nghĩa đó để tạo ra phong trào, để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Suốt 10 năm vừa lao động kiếm sống vừa tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và truyền thụ vào trong nước qua những kênh báo chí, tuyên truyền; qua kênh đào tạo cán bộ; qua các kênh khác nhau để chuẩn bị về tư tưởng, về tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tiễn lịch sử 85 năm qua cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với nhân dân đi đầu trong cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập cho dân tộc, đấu tranh giành lại chính quyền, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Những năm chiến tranh ác liệt, kẻ thù muốn đưa chúng ta trở lại thời kỳ đồ đá, nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào để cuối cùng chúng ta giành chiến thắng hoàn toàn, đất nước thống nhất.
Khi ở vị trí người đứng đầu của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm mình là một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào ra trước mặt trận. Là một thành viên trong một tổ chức, nhất là người đứng đầu, khi mà Đảng, Nhà nước mắc khuyết điểm thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước dân, chịu trách nhiệm trước Đảng, đứng ra xin lỗi nhân dân, hứa quyết tâm sửa chữa khuyết điểm.
Tấm gương Hồ Chí Minh về “trung thực”, “trách nhiệm” thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời của Người, nó bao quát trong tất cả các lĩnh vực, Bác đã nói:“Tôi hiến cuộc đời tôi cho Tổ quốc tôi, tôi hiến cuộc đời tôi cho dân tộc tôi”.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “trung thực”, “trách nhiệm” có ý nghĩa thực tiễn trước mắt và lâu dài. Mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần xây dựng cho mình lối sống trung thực, trách nhiệm.
Phải thật sự trung thực, trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, với bạn bè, đồng chí, với Tổ quốc và nhân dân. Khắc phục cho được tình trạng thiếu trung thực, dối mình, dối người, dối Đảng, dối dân. Trung thực phải đi liền với trách nhiệm. Đã trung thực với chính mình thì không bao giờ từ bỏ trách nhiệm của mình.
Nếu như mỗi người đều xây dựng được lối sống trung thực và trách nhiệm sẽ góp phần khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, trong xã hội; tạo ra sự chuyển biến về tình cảm và nhân cách: tôn trọng chân lý, yêu cái đúng, ghét cái sai, tôn trọng sự thật, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà, dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm, tự giác phấn đấu, rèn luyện đạo đức, tự phê bình, phê bình, cầu thị, sửa chữa khuyết điểm.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “trung thực”, “trách nhiệm” là nỗ lực hành động vì chân lý, vì sự tiến bộ, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn