Trần Bửu - Người nhiệt huyết với công tác Tuyên giáo

Thứ sáu - 29/07/2022 18:33
Trần Bửu có bút danh Trường Hưng, Trần Quân, sinh năm 1936 tại xã Mỹ Đức Tây, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, Tiền Giang).

Năm 15 tuổi, quê nhà tiêu điều, xơ xác vì quân Pháp ruồng bố liên miên, ông được cha mẹ gửi lên một người bà con ở tỉnh Tây Ninh để đi học. Năm 20 tuổi, trong khi đang học ở Trường Trung học Lê Văn Trung (Tây Ninh), ông bị bọn Phòng Nhì Quân đội Cao Đài bắt giam giữ 01 tháng ở khám Hóc Trâm (Giang Tân, Tây Ninh) vì nghi ông làm liên lạc cho một thầy giáo ở trong trường đã bị chúng bắt giam trước đó.
 

Trần Bửu - Người nhiệt huyết với công tác Tuyên giáo
Sau khi ra tù, ông xuống Sài Gòn, làm công cho một vựa trái cây để có tiền tiếp tục việc học hành. Nhưng học được vài tháng, ông lại bị Ty Cảnh sát đặc biệt miền Đông của ngụy quyền Sài Gòn bắt giữ vì nghi ngờ ông có dính líu tới vụ ám sát Ngô Đình Diệm ở Buôn Ma - Thuột (Đăk Lăk). Trong tù, ông được những người cách mạng bồi dưỡng, giáo dục nên ông giác ngộ lý tưởng cách mạng. Giữa năm 1960, do địch không tìm thấy chứng cứ nên ông được trả tự do.

Ông trở về quê nhà huyện Cái Bè tham gia cách mạng trong cao trào Đồng khởi. Kể từ đây, ông công tác trên mặt trận báo chí, tuyên truyền, văn hóa - văn nghệ. Năm 1967, ông là phóng viên báo Giải phóng - tờ báo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng lập năm 1964 và được Ban Tuyên huấn của Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo về nội dung. Năm 1971, ông công tác tại Tiểu ban Văn nghệ Mỹ Tho. Năm 1974, trong một chuyến công tác, ông bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Ở đây, ông cùng các đồng chí của mình làm một tập san mang tên Niềm tin. Mặc dù bị đày ải, tra tấn, hành hạ về thể xác và tinh thần, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với Đảng và Nhân dân, giữ vững lập trường cách mạng và ý chí chiến đấu, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975), ông hoạt động trên lĩnh vực báo chí, lần lượt giữ chức vụ Phó Tổng biên tập (1979) rồi Tổng biên tập báo Ấp Bắc (1982). Hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Sài Gòn giải phóng của N.V.L, báo Ấp Bắc do ông làm Tổng biên tập cũng tham gia đấu tranh chống tiêu cực, mạnh dạn đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc gây bức xúc trong xã hội, được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Năm 1983, ông là người khởi xướng Giải Việt dã Báo Ấp Bắc, nhằm góp phần tạo nên sự gắn kết giữa báo và bạn đọc, cổ vũ phong trào rèn luyện sức khỏe theo tấm gương Bác Hồ. Đồng thời giải tổ chức vào thời điểm kỷ niệm Chiến thắng Ấp Bắc để tạo thành một hoạt động trong Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ấp Bắc, nhắc nhở thế hệ hôm nay luôn nhớ về chiến công oanh liệt này. Sau đó, Giải Việt dã Báo Ấp Bắc được tổ chức đều đặn hằng năm và quy mô ngày càng mở rộng.

Những năm 1989 - 1996, ông làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang. Mặc dù thích sáng tác văn học nhưng vì nhiệm vụ cách mạng và nhận thức sâu sắc tính tiên phong của nhà báo nên ông dành nhiều tâm huyết và thời gian cho công tác tư tưởng, văn hóa - văn nghệ của Đảng. Với vai trò là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong những năm đầu thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, ông rất quan tâm và trăn trở về những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống - nhất là những vụ việc tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đến sự lãnh đạo của Đảng. Ông dốc toàn tâm lực của mình cho những bài nói, bài viết kịp thời định hướng tư tưởng, động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định cuộc sống góp phần từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Các bài viết của ông viết theo thể loại chính luận là chủ yếu. Bằng góc nhìn độc đáo của nhà báo và quan điểm, chính kiến của một đảng viên, ông thể hiện được tính tiên phong, tính chiến đấu của một chiến sĩ cách mạng. Các bài viết của ông góp phần động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước của dân tộc, ca ngợi con người mới, cuộc sống mới; kiên quyết lên án cái ác và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Những bài nói, bài viết của ông luôn xác định rõ ràng, cụ thể: Mục đích nói, viết để làm gì? Đối tượng nghe, đọc là ai? Họ cần những thông tin gì? Nhờ vậy mà những bài nói, bài viết của ông luôn có dấu ấn nhất định trong lòng độc giả.

Năm 2017, ông lâm trọng bệnh qua đời. Năm 2018, tác phẩm Nghĩ suy thời cuộc của ông được Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với Báo Ấp Bắc xuất bản. Đọc Nghĩ suy thời cuộc của ông, ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp của tấm lòng nhân ái với mọi người, trí tuệ trong sáng tác và nhân cách giản dị, gần gũi của nhà báo Trần Bửu - người nhiệt huyết với công tác Tuyên giáo của tỉnh Tiền Giang. Dù ông đã đi xa, nhưng nhiều người hôm nay vẫn luôn thầm gọi tên ông một cách trìu mến và trân trọng "chú Ba Trần Bửu"./.
 
 

Lê Văn Tý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập884
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm851
  • Hôm nay47,796
  • Tháng hiện tại1,180,443
  • Tổng lượt truy cập34,766,088
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây