Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của ngành Tuyên giáo

Thứ năm - 23/12/2021 04:43
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu toàn ngành Tuyên giáo cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Đ/c Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực BBT phát biểu chỉ đạo.
Đ/c Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực BBT phát biểu chỉ đạo.
Cổ vũ, động viên, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Sáng 23/12, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận và biểu dương những kết quả toàn ngành Tuyên giáo đã đạt được trong năm qua. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2021, toàn ngành đã chủ động, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền về Đại hội XIII của Đảng, với hình thức đa đạng, phong phú, góp phần cổ vũ, động viên, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, tạo thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân. Ngay sau Đại hội, toàn ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội XIII, phản ánh kịp thời việc triển khai thực hiện Nghị quyết ở các cấp, gắn liền với tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng, tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng và xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, toàn Ngành cũng đã tập trung cao độ chỉ đạo tổ chức, định hướng công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch COVID- 19 với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, từ truyền thông đa phương tiện, qua mạng xã hội đến các hình thức cổ động trực quan, góp phần vào thành công cuộc bầu cử và phòng, chống dịch ở các cấp. Ngành đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ban Bí thư tổ chức thành công ba hội nghị toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị văn hóa và Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, triển khai Kết luận 01 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, hoạt động báo chí - xuất bản toàn diện, bảo đảm tính tư tưởng trong nội dung và hình thức thông tin, đáp ứng nhu cầu của công chúng, kịp thời đưa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Ngành Tuyên giáo đã chủ động triển khai, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc; kịp thời định hướng dư luận tích cực, xử lý những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, xử lý những điểm “nóng”, “có vấn đề” có thể xuất hiện, xảy ra, không để bất ngờ, bị động. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình tư tưởng cán bộ, nhân dân trước các sự kiện lớn, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm; chủ động theo dõi địa bàn, điều tra xã hội học về dư luận xã hội, trên cơ sở đó phản ánh, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương nhiều thông tin quan trọng phục vụ lãnh đạo chỉ đạo. 

Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của ngành trong năm qua: Tiến độ nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ở một số nơi còn chậm, chất lượng chưa cao. Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực tuyên giáo chưa thường xuyên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nơi, có lúc chưa thực chất; chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Việc tham mưu giúp các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa được chú trọng. Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí - xuất bản có lúc chưa kịp thời; việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là các tạp chí điện tử thuộc của các hội chưa nghiêm túc; quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế...

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vị thế, vai trò của ngành Tuyên giáo

Về nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị toàn ngành Tuyên giáo cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; đồng thời với việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện, biểu dương những địa phương, đơn vị làm tốt, hiệu quả; uốn nắn, chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt. Đồng chí cho rằng toàn ngành phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục tuyên truyền, hướng dẫn, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ và phấn đấu đạt bằng được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra.

Bên cạnh đó, ngành Tuyên giáo cần tập trung triển khai thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch 03 của Bộ Chính trị, trước mắt là nghiên cứu, ban hành Hướng dẫn đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt Kết luận và Kế hoạch thực hiện ở các cấp, các ngành; tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp về tuyên truyền Kết luận 21 và Kế hoạch thực hiện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu trong nội bộ ngành Tuyên giáo, các cơ quan trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, văn học nghệ thuật, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ… cần tiến hành ngay việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Kết luận 21, bảo đảm nghiêm túc, thận trọng, đạt kết quả cụ thể, thực chất. "Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp, phải gương mẫu, tự giác làm trước; tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình cái gì đã làm tốt, cái gì chưa tốt, tại sao lại như vậy, trên cơ sở đó tự mình điều chỉnh, sửa chữa, khắc phục, tránh qua loa, hình thức, chiếu lệ, xuê xoa, nể nang; ngăn chặn tình trạng lợi dụng kiểm điểm, phê bình để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với động cơ không trong sáng", đồng chí nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo cả nước cần tiếp tục tham mưu cấp ủy chỉ đạo việc thực hiện hiệu quả Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác xây dựng Đảng, nhất là thực hiện việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đưa việc học tập, làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, qua đó giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày thêm trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế góp phần xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng; đề cao việc tự học, tự nghiên cứu của cá nhân, xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. "Khắc phục tình trạng ngại và lười học tập lý luận chính trị; xác định rõ động cơ, thái độ học tập đúng đắn; học tập lý luận chính trị không chỉ để nâng cao trình độ, mà phải biết áp dụng lý luận đó vào thực tiễn, tạo chuyển biến thực sự trong mỗi hành động, việc làm của cán bộ, đảng viên; tuyệt đối tránh tư tưởng học đối phó, học chỉ vì bằng cấp, để đủ điều kiện được đề bạt, nâng lương, được bổ nhiệm làm lãnh đạo"- đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối văn hóa nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, nhất là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác văn hóa, ngành Tuyên giáo cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa. Trong đó chú trọng xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết trong các tổ chức Đảng và Nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng và trong từng gia đình; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động phản văn hóa, các sản phẩm văn hóa độc hại, hủ tục, các tệ nạn ra khỏi cộng đồng. 

Tăng cường chỉ đạo, định hướng, kịp thời chấn chỉnh hoạt động báo chí - xuất bản với phương châm “chủ động thông tin tích cực”; phát huy vai trò của báo chí -xuất bản trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng chính trị, nhân cách, giá trị sống cao đẹp; giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong xã hội; là lực lượng sắc bén trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị... Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa ngành Tuyên giáo, Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các cấp trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí - xuất bản; giáo dục, rèn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng, ý thức, trách nhiệm công dân trong hoạt động nghề nghiệp…

Kết luận Hội nghị, thay mặt những người làm Tuyên giáo cả nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nghiêm túc tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư cùng các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ khẩn trương hoàn thiện chương trình, nhiệm vụ công tác, chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện trong năm 2022.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026, có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, để tiếp tục nâng cao vị thế, thể hiện rõ vai trò của ngành Tuyên giáo, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng chí đề nghị toàn ngành Tuyên giáo quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đối với công tác tuyên giáo của Đảng. Ngoài những phương hướng, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo được thể hiện trong Báo cáo tổng kết Ngành, đồng chí đề nghị bước sang năm 2022, toàn ngành Tuyên giáo cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương khóa XIII. Triển khai thực hiện tốt Kết luận tốt số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, dư luận xã hội, thông tin đối ngoại và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận; góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tiếp tục lan tỏa hiệu ứng tích cực từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc, hệ thống tuyên giáo các cấp cần chủ động tham mưu cấp ủy những giải pháp mang tính đột phá để phát huy cao độ những giá trị văn hóa. Trong đó, chú trọng tham mưu giải pháp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam với những chuẩn mực giá trị đạo đức phù hợp để khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, dân số, thể thao và các vấn đề xã hội…

 

Báo Điện tử ĐCSVN.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập484
  • Máy chủ tìm kiếm52
  • Khách viếng thăm432
  • Hôm nay58,044
  • Tháng hiện tại1,697,793
  • Tổng lượt truy cập40,067,169
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây