Hội nghị thực hiện theo hình thức trực tuyến trong toàn tỉnh tại 191 điểm cầu với 11.517 đảng viên tham dự. Điểm cầu chính tại Hội trường Ấp Bắc (Trung tâm Hội nghị tỉnh) và các điểm cầu tại huyện, thành phố, thị xã; điểm cầu tại Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo tỉnh; điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị
Hội nghị đã nghe báo cáo viên trình bày nội dung các Quyết định của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội; quy định về việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và của nhân dân.
Mục đích của giám sát và phản biện xã hội nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Kịp thời phát hiện sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp. Phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh.
Mặt khác, việc giám sát và phản biện xã hội còn nhằm phát hiện những nội dung chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội. Việc giám sát và phản biện xã hội mang tính nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học và thực tiễn.
Để thực tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, theo quy chế cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và điều lệ các đoàn thể chính trị - xã hội. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan tổ chức có liên quan. Không làm trở ngại các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát và phản biện xã hội. Bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan và mang tính xây dựng. Tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, đoàn viên, hội viên, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Quy định việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tiếp tục thể chế hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, trong quá trình thực hiện phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, trung thực, có tính xây dựng; phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước; không được lợi dụng việc góp ý để vu cáo, đả kích, bôi xấu làm ảnh hưởng đến uy tính, danh dự và hoạt động của các tổ chức, cá nhân.
Tại hội nghị, ông Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo trong thời gian tới cần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc,…