Năm 2009, Đại hội đồng Liên Hợp quốc quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về công tác sẵn sàng ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai bao gồm cả những thách thức tác động của biến đổi khí hậu thông qua sự kiện và các chiến dịch truyền thông.
Năm 2014, Tiền Giang là một trong ba địa phương trong cả nước (bao gồm TP Đà Nẵng, Tiền Giang, Thanh Hóa) được chọn tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai với chủ đề “Người cao tuổi với thiên tai năm 2014: Thích ứng vì cuộc sống” nhằm đề cao vai trò và tầm quan trọng của người cao tuổi trong công tác sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai và sẵn sàng ứng phó giảm nhẹ thiên tai tới năm 2020.
Theo ông Bùi Quang Huy (Trung tâm Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ghi nhận thời điểm từ 2005 đến 2014, thời tiết ngày càng bất thường, diễn biến thiên tai phức tạp, khó dự đoán đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân nói chung nhất là các khu vực ven biển, hạ lưu sông Cửu Long, vùng núi cao,... Từ đó, cần thiết hoàn thiện các chính sách và khung pháp lý về phòng chống thiên tai, phát huy vai trò người cao tuổi trong chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai một cách hiệu quả đồng thời cần xác định người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất để có biện pháp hỗ trợ, chăm sóc một cách phù hợp vừa bảo vệ họ an toàn khi có thiên tai xảy ra. Do vậy, các ngành, các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước nói chung cần có những giải pháp cụ thể, khả thi trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai hiệu quả, đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng khó khăn nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Bà Ayka Arai, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại và rủi ro mà Nhật Bản tích lũy được trong quá trình đối phó với sóng thần, động đất, hoạt động núi lửa - những thiên tai khủng khiếp mà nước này hay đối mặt. Qua đó, bà đề cao vai trò phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và tổ chức quốc tế trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc bình tĩnh đối phó với thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, sự cần thiết nhân rộng những bài học thực tiễn quí, kinh nghiệm hay, chú trọng bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi...
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, là địa phương nằm ở hạ lưu sông Tiền, có bờ biển dài 32 km, có nhiều vùng sinh thái: lợ, mặn, ngọt... hàng năm Tiền Giang thường xuyên phải gánh chịu thiên tai: lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn.... Từ kinh nghiệm thực tiễn đối phó với thiên tai, Tiền Giang tập trung đổi mới công tác chỉ đạo phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Ngoài hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, tỉnh còn quan tâm thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về thích ứng biến đổi khí hậu thông qua những mô hình hay, cách làm hiệu quả; có biện pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó kịp thời sự cố trên cơ sở phương châm “bốn tại chỗ”.
Sắp tới, Tiền Giang ưu tiên nâng cao hiệu quả công tác quản lý thiên tai lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng ngành, từng địa phương, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đến cộng đồng, đồng thời tăng cường công tác truyền thông với sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, của các cấp, các ngành và nhân dân mà đặc biệt là người cao tuổi tại địa phương.