Sáu tháng qua, quỹ đã tổ chức hội nghị người lao động năm 2015, thống nhất thông qua Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, vì vậy đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể người lao động; đội ngũ nhân viên và quản lý tương đối vững về chuyên môn, ổn định về số lượng. Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được hoạt động theo các quy chế: tổ chức hội nghị người lao động; đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; tổ chức hoạt động của Ban kiểm soát; sử dụng chi phí hỗ trợ khó khăn đột xuất cho khách hàng; chi tiêu nội bộ năm 2015; tổ chức, hoạt động điểm giao dịch; quy trình quản lý nợ quá hạn và xử lý nợ rủi ro; qui định quản lý tiền mặt và tiền gửi. Bên cạnh đó, Hội đồng quản lý quỹ đã quan tâm trích 100 triệu đồng để lập Quỹ hỗ trợ đột xuất khi khách hàng bị tổn thất nặng nề do thiên tai, bệnh hiểm nghèo; cấp sổ thành viên; hướng dẫn, chỉ đạo các điểm giao dịch củng cố tình hình hoạt động cụm, nhóm trên địa bàn; tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; tổ chức thành công chương trình Teambuilding, qua đó tăng cường mối quan hệ hợp tác, phối hợp giữa cán bộ Hội và nhân viên tín dụng; tổ chức sinh hoạt chuyên đề, đồng thời hệ thống lại các kiến thức về quy trình, qui định, chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như ghi nhận những kiến nghị, đề xuất…
Hiện nay, toàn tỉnh có 6 điểm giao dịch và mở rộng địa bàn hoạt động thêm 9 xã, nâng tổng số đến nay có 148/173 xã, phường, thị trấn (đạt 85,55%); tổng dư nợ cho vay đến 30/6/2015 khoảng 143 tỷ đồng với gần 40 ngàn thành viên; số khách hàng mới gia nhập đến tháng 6/2015 là 6.750 thành viên và ra khỏi quỹ là 3.419 thành viên.
Nhìn chung, hoạt động của Quỹ gặp nhiều thuận lợi do sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan ban, ngành, Ngân hàng Nhà nước và Hội Phụ nữ các cấp; sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội và nhân viên tín dụng; nhân viên đa số trẻ, nhiệt tình, tâm huyết và được đào tạo cơ bản. Tuy nhiên, hiện tại Quỹ chưa có cơ chế trích quỹ dự phòng tài chính, khen thưởng, phúc lợi, lương…; chưa có giấy phép hoạt động tài chính vi mô từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay nước ngoài, vốn vay từ Ngân hàng Thương mại và huy động tiết kiệm tự nguyện; thiếu vốn để đáp ứng nhu cầu của thị trường; số đông thành viên là công nhân và lao động nên tỉ lệ họp nhóm thấp, khoảng từ 50-60% thành viên nên cũng gây khó khăn cho việc lồng ghép triển khai các nhiệm vụ chính trị của Hội Phụ nữ các cấp thời gian qua.
Dự kiến hướng tới Quỹ sẽ mở rộng thêm địa bàn hoạt động; tăng tỉ lệ họp cụm và sinh hoạt lồng ghép; phát triển sản phẩm vay mới mùa vụ cho khách hàng và triển khai thí điểm mỗi điểm giao dịch 1 xã; nâng cấp phần mềm, thực hiện hệ thống dữ liệu tập trung và hợp nhất dữ liệu…