Làm giàu nhờ “chung sống với lũ”

Thứ ba - 05/11/2013 02:45
Trong vài năm trở lại đây, chủ trương sản xuất theo hướng “chung sống với lũ” bằng những mô hình mới, thích hợp của tỉnh Tiền Giang đã đi vào cuộc sống, được nông dân tích cực hưởng ứng, giúp cho nông hộ đổi đời và nông nghiệp - nông thôn vùng ngập lũ phía tây tỉnh Tiền Giang thay da đổi thịt.

Người đi tiên phong sản xuất “chung sống với lũ” tại vùng rốn lũ phía tây tỉnh Tiền Giang có ông Lê Văn Hoàng, hiện cư ngụ tại ấp Hậu Phú I, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè.

Hậu Mỹ Bắc A là xã nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, vào mùa lũ hàng năm, nước từ thượng nguồn tràn về nhấn chìm ruộng nương, nhà cửa. Bà con trong vùng thời trước phải nheo nhóc chạy lũ, đời sống rất khó khăn.Gần đây, tình trạng trên cơ bản được khắc phục nhờ tỉnh quan tâm đầu tư kiến thiết hạ tầng: đê bao ngăn lũ bảo vệ khu dân cư, kiện toàn kênh mương thủy lợi vừa chủ động tưới tiêu phục vụ mục tiêu sản xuất “né lũ” vừa tiêu thoát lũ khi cần thiết, xây dựng nhân rộng những mô hình canh tác “chung sống với lũ” hiệu quả.

Gia đình ông Lê Văn Hoàng canh tác 2 ha đất trồng lúa và 3 công đất vườn. Trước thời cơ có một không hai kể trên, ông đã nhanh chóng bắt nhịp cùng sự chuyển dịch mạnh mẽ toàn vùng trong nỗ lực khắc phục thiên tai, phát huy tiềm năng lớn lao mà lũ lụt mang lại đối với đời sống, tích cực tổ chức lại sản xuất cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thị trường, hiệu quả cao, tăng thu nhập cho kinh tế hộ. Lúa + cá + ếch Thái là mô hình được ông đi tiên phong áp dụng trên đồng đất Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè.

Cách làm của ông như sau: đối với phần đất ruộng ông thâm canh lúa chất lượng cao, chủ yếu giống lúa thơm Jamine 85 mỗi năm 3 vụ. Về mặt kỹ thuật,  chú ý áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh để đạt mục tiêu trúng mùa, bội thu, trúng giá vừa giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Ông là người đầu tiên tại địa phương áp dụng triệt để IPM, ba giảm ba tăng, bón phân theo bảng so màu lá lúa, 1 phải 5 giảm... trên cây lúa. Nhờ vậy, vụ nào ông cũng bội thu về năng suất, sản lượng vừa bán được giá cao hơn so với khi còn trồng lúa thường trước đây.

Đối với 3 công đất vườn, nhờ có đê bao ngăn lũ bảo vệ, ông Hoàng tái bố trí lại một cách hợp lý cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, trên vườn ông trồng mãng cầu xiêm, dưới ao (rộng khoảng 1.000 m2) thả cá tra kết hợp nuôi ếch theo qui mô bán thâm canh. Ao ông thả mỗi đợt 30 kg cá tra giống. Trên mặt ao làm vèo lưới (lưới nylon may như chiếc màn ngủ lật ngược lại) để giữ đàn ếch bên trong không cho ra ngoài, nuôi ếch giống Thái Lan. Ếch mỗi đợt thả nuôi 10.000 con. Trung bình mỗi năm nuôi được 3 đợt ếch, còn cá tra mỗi năm 1 vụ nuôi.

Ếch là một đối tượng vật nuôi mới đưa vào cơ cấu sản xuất tại vùng ngập lũ phía tây Tiền Giang gần đây nên đòi hỏi nông dân phải am hiểu kỹ thuật, biết xử trí thích hợp từ khâu chuẩn bị ao nuôi, chọn giống đến chăm sóc... Bản thân ông Lê Văn Hoàng đã học tập kinh nghiệm từ nhiều nơi, qua nhiều kênh thông tin sau đó đưa về áp dụng trong mô hình kinh tế hộ của mình. Ông đúc kết được những yếu tố cần và đủ để nuôi ếch thành công như sau: nuôi ếch trong vèo lưới trên ao cá tra nên giữ mật độ thả 60 con/m2 khi chúng còn nhỏ dưới 1 tháng tuổi. Khi ếch được 1 tháng tuổi trở lên chỉ nên thả mật độ 40 con/m2 mà thôi. Mật độ vừa phải và chế độ chăm sóc thích hợp giúp ếch tăng trọng nhanh, chất lượng ếch thương phẩm tốt, bán được giá vừa chống được bệnh tật.

Hạch toán về mô hình sản xuất mới áp dụng vài năm nay, ông Lê Văn Hoàng cho biết, lúa vụ đông xuân ông đạt năng suất bình quân 80 tạ/ha, vụ hè thu sớm và hè thu chính vụ đạt bình quân 60 tạ/ha/vụ. Sau khi trừ đi chi phí, ông thu lãi ròng từ cây lúa mỗi năm 90 triệu đồng. Cá tra đạt sản lượng 1,5 tấn cá thương phẩm/năm, bán trung bình 20.000 đ/kg thu lợi nhuận ròng 20 triệu đồng. Ếch mỗi năm xuất bán 3 đợt, sản lượng 4,5 tấn bán với giá 35.000 đ/kg thu lãi ròng khoảng 70 triệu đồng. Tính chung nguồn lợi từ lúa, cá và ếch mỗi năm ông thu lãi gần 200 triệu đồng.

Hai năm liên tiếp, ông Lê Văn Hoàng được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và là nông dân giỏi tiêu biểu vùng ngập lũ Tiền Giang. Nói về hiệu quả mô hình làm ăn của mình, ông Hoàng cho biết, trong tình hình hiện nay, nông dân không thể chỉ chăm bẳm vào cây lúa mà cần phải biết phát huy tốt các tiềm năng kinh tế vườn, ao, ruộng để đa dạng hóa vật nuôi - cây trồng. Bên cạnh đó, chú trọng đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất theo hướng “đi tắt đón đầu”. Có như vậy, bà con hoàn toàn có thể làm giàu, xây dựng được cơ nghiệp vững vàng “ly nông bất ly hương” mà cách làm của ông Hoàng - một nông dân tiên tiến, năng động vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) là một ví dụ hết sức cụ thể.

Cẩm Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập868
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm837
  • Hôm nay48,407
  • Tháng hiện tại1,181,054
  • Tổng lượt truy cập34,766,699
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây