Kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam - Tiền Giang tiếp tục phấn đấu vượt khó đi lên

Thứ hai - 24/02/2014 20:39
Cách đây 59 năm, ngày 27/2/1955, Bác Hồ đã gửi thư cho các cán bộ y tế nhân Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc lần thứ nhất, trong đó Bác đã đóng góp những ý kiến thiết thực vô cùng bổ ích mà cho đến nay, những lời dạy của Bác là những tư tưởng chỉ đạo về chiến lược và đường lối xây dựng phát triển ngành y tế Việt Nam. 
Bác Hồ giáo huấn cán bộ y tế. Ảnh internet
Bác Hồ giáo huấn cán bộ y tế. Ảnh internet
Để đề cao trách nhiệm và vị trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biểu dương thành tích, động viên toàn ngành ra sức thi đua phục vụ người bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và với ý nghĩa tôn vinh những người thầy thuốc, tôn vinh truyền thống cao đẹp của ngành y tế, ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”. Kể từ đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế và là ngày hội của các thế hệ cán bộ y tế. 

Ngày Thầy thuốc Việt Nam là dịp để mọi người tri ân sự hy sinh tận tụy của những thầy thuốc, đã hết lòng cứu sống biết bao nhiêu sinh mạng con người, đồng thời cũng là dịp để các cán bộ y tế học tập và ôn lại những lời dạy của Bác, cùng nhau ôn lại truyền thống tốt đẹp của ngành, đánh giá những thành tựu cũng như những hạn chế, để qua đó ngành có cơ sở căn cứ xây dựng các kế hoạch cho tương lai. Mỗi người cán bộ y tế chúng ta không thể nào quên được những lời giáo huấn chân tình nhưng rất sâu sắc của Người. Những lời dạy của Người tưởng chừng như đơn sơ mộc mạc nhưng mang tính triết lý sâu xa, vẫn nóng hổi tính thời sự của ngày hôm nay, vẫn vang vọng trong trái tim, khối óc của những cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Càng tự hào với một nghề nghiệp cao quý, được cả xã hội tôn vinh là một “nghề đặc biệt” như Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định, với một trọng trách nặng nề, được “người bệnh phó thác tính mạng”, được “Chính phủ phó thác” nhiệm vụ “chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào”, mỗi người thầy thuốc chúng ta càng thấm thía sâu sắc lời dạy của Bác, đó là “phải thật thà đoàn kết”, “phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình”, phải xây dựng một nền y học “dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng”. Lời Bác dạy đã, đang và sẽ mãi mãi là ánh sáng soi đường, nâng bước chúng ta đi.

59 năm, một quãng thời gian không dài lắm so với cả quá trình lịch sử của dân tộc nhưng cũng không quá ngắn cho sự xây dựng và phát triển của ngành y tế Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Người, đội ngũ cán bộ y tế của nước ta từ Trung ương đến tận cơ sở vùng sâu, vùng xa đã nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều người đã để lại một phần máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, hàng ngàn người đã vĩnh viễn ra đi, họ đã hiến trọn đời mình cho nền độc lập và tự do của Tổ quốc. Cán bộ chiến sĩ ngành y tế là những thầy thuốc mặc áo lính, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tận tụy, hết mình phục vụ vì tình thương yêu đồng chí đồng đội, vì thương binh; họ vừa là hậu phương với mọi xoay sở để kiếm từng miếng ăn cho mình và thương bệnh binh, vừa là người thầy thuốc phục vụ thương bệnh binh vô điều kiện trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ và chiến tranh bom đạn ác liệt; họ còn là những chiến sĩ chiến đấu kiên cường, lập được không ít những chiến công và cũng đã có không biết bao nhiêu tấm gương hy sinh anh dũng, để lại trong lòng đồng chí đồng đội và người thân lòng kính trọng và sự tiếc thương vô hạn; viết nên những trang sử vàng chói lọi và tô điểm thêm cho truyền thống tốt đẹp của ngành y tế, mà cháu con đời đời không thể nào quên được. Không thể không nhắc đến những thầy thuốc chân chính như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Đặng Thùy Trâm, Tôn Thất Bách, Lê Thế Trung, Nguyễn Thị Ngọc Phượng… cùng hàng ngàn tập thể, cá nhân y bác sĩ, cán bộ ngành y tế được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, các huân chương và nhiều bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng của mình, không quản sự nguy hiểm chết người do những mầm bệnh có thể đưa lại, họ coi việc cứu mạng sống của con người là quan trọng nhất, còn cao hơn cả tính mạng của chính mình. Đã có nhiều câu chuyện cảm động về cuộc chiến đấu của họ để giành giật sự sống cho người bệnh từ tay tử thần và về sự tri ân của những người từ cõi chết trở về đối với người thầy thuốc. Những người thầy thuốc đó đã trở thành niềm tự hào của ngành y tế Việt Nam.

Tại Tiền Giang, trong chiến tranh, vì thương binh đã có biết bao tấm gương tận tụy, hy sinh vô điều kiện của những người thầy thuốc chiến sĩ, như để kịp thời cứu sống thương binh có trường hợp phải đứng mổ liên tục 2 ngày đêm, không ngủ; mùa nước nổi tổ chức đóng bè chuối cho thương binh nằm, y bác sĩ đứng dưới nước để mổ; liên tục dùng miệng hút đờm, hiến máu để cứu sống đồng đội; bất chấp hiểm nguy dưới làn bom, pháo kẻ thù vẫn vững vàng trên bàn mổ. Cán bộ y tế và nhân dân tỉnh nhà mãi mãi ghi nhận những chiến công, thành tích xuất sắc của: bác sĩ Hàng Nhựt Tâm - Trưởng Ty y tế thành phố Mỹ Tho, bị địch khui hầm đã dùng lựu đạn đánh địch và hy sinh khi bắn hết đạn; nữ y sĩ Lê Thị Lệ Chi - Trưởng bệnh xá dân y huyện Chợ Gạo và đồng nghiệp là y tá Lê Thị Ngọc Tiến, khi bị địch bắt, tra tấn dã man, tàn bạo vẫn giữ vững khí tiết, địch mổ bụng moi gan đồng đội để uy hiếp đồng chí vẫn kiên quyết không khai, chấp nhận kẻ thù mổ bụng sống, moi gan mình để bảo vệ an toàn 18 thương binh và những cơ sở cách mạng trong vùng. Đó còn là y sĩ Nguyễn Văn Trạch, y sỹ Võ Văn Lung - Trưởng Ban dân y huyện Chợ Gạo; bác sĩ Nguyễn Tiến Cường; nữ y sĩ Sáu Hường, Thu Hồng... và rất nhiều cán bộ y tế nữa là những tấm gương sáng ngời y đức, vừa là người thầy thuốc, vừa là người chiến sĩ kiên trung, bất khuất đã ngã xuống trên chiến trường. Để hoàn thành nhiệm vụ vô cùng gian khổ, những người thầy thuốc ngoài tinh thần chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh, còn là ý chí, tính tự giác, tinh thần sáng tạo, lòng quả cảm, tình yêu thương đồng chí, đồng đội và sự phấn đấu tột cùng của những cán bộ đảng viên ngành y tế. So với những cống hiến vô cùng to lớn đó, chúng ta rất tự hào nhưng đồng thời cảm thấy mình dường như bé nhỏ lại và cần phải phấn đấu, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - một danh y của Việt Nam đã từng nói về yêu cầu cần phải có của người thầy thuốc trong tác phẩm Tiểu doãn y tâm án như sau: “Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, sống chết một tay mình nắm, phúc họa một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng!”. Chính vì vậy, nhân dân ta rất tôn trọng người thầy thuốc và cho rằng người thầy thuốc - cũng như người thầy giáo - là người có trình độ, là trí thức, nhân ái, đức độ, tận tụy với nghề, xoa dịu nỗi đau của người bệnh; người bệnh xem người thầy thuốc là ân nhân cứu mạng cho mình.

Trong thực tế hiện nay, vẫn còn có rất nhiều những than phiền về y đức của những thầy thuốc, về sự tắc trách thiếu trách nhiệm của cơ sở y tế, về những tai biến chuyên môn không lường trước được. Trong năm 2013, đã có những cái chết của một số sản phụ gây bức xúc trong dư luận; những cái chết do tiêm ngừa vaccine gây hoang mang trong cộng đồng; những cái chết sau khi khám và điều trị tại các phòng khám tư nhân; đặc biệt, ngành y tế và toàn xã hội vẫn không thể nào chấp nhận và cảm thấy bị xúc phạm khi xảy ra vụ việc tai biến chết người lại vứt xác phi tang tại thẩm mỹ viện Cát Tường… Tất cả đã tạo nên một bức tranh màu xám cho ngành y tế, đến nỗi nhiều người cho rằng đạo đức của cán bộ y tế ngày nay đang xuống cấp nghiêm trọng.

Điều này không thể phủ nhận nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Khách quan đánh giá, đội ngũ thầy thuốc nước ta hiện nay vẫn giữ được y đức và có y thuật cao, ngày đêm tận tuỵ vì sức khoẻ của nhân dân. Trừ một số ít “con sâu” trong hàng trăm ngàn thầy thuốc đã, đang và sẽ tiếp tục ngày đêm phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Không thể vì một số "con sâu" mà đánh giá sai về những cống hiến đáng ghi nhận của đại đa số thầy thuốc, không thể làm phai mờ những thành tích đáng tự hào mà ngành y tế nước ta đã đạt được. Đó là thắng lợi của những thầy thuốc Việt Nam trên mặt trận phòng chống, khống chế dịch bệnh thành công, không để bùng phát thành dịch lớn như: dịch cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), SARS, dịch tả... Nhiều chứng bệnh nguy hiểm đã được điều trị hiệu quả, một số bệnh đã được loại trừ hoặc thanh toán như bệnh đậu mùa, uốn ván sơ sinh, bại liệt, phong…; nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng thực hiện ở các tuyến. Tất cả những điều này đã góp phần đáng kể trong cải thiện chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) của Việt Nam. Một số thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, không nhận thù lao của bệnh nhân, có người còn giúp đỡ tiền để bệnh nhân nghèo chữa bệnh, có người còn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo… 
 
Thầy thuốc chăm sóc, điều trị bệnh nhân

Từ xưa đến nay, một số nghề được xã hội thừa nhận là cao quý, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần con người: nghề thầy giáo, nghề thầy thuốc, nghề dạy võ… Vai trò của người thầy được trọng vọng thể hiện rõ trong thứ bậc, tôn ti: quân (vua), sư  (thầy), phụ (cha); về mặt tác dụng xã hội, người thầy còn cao hơn người cha. Trong những nghề ấy, nghề thầy thuốc là một nghề có tầm quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh mạng con người và được ví bằng câu thành ngữ đầy hình tượng: “Lương y như từ mẫu”. Sở dĩ người thầy thuốc được tôn vinh như thế là do họ có một trách nhiệm lớn lao đối với xã hội, nếu người nào vì tư lợi mà bỏ quên y đức thì rất đáng hỗ thẹn. Người thầy thuốc được ví như người mẹ hiền đối với người bệnh; đã là mẹ thì bất cứ giá nào cũng hết lòng vì con. Thật là không có sự so sánh nào đáng tự hào như nghề thầy thuốc, và càng tự hào bao nhiêu thì trách nhiệm càng nặng bấy nhiêu.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu trong ngày Thầy thuốc Việt Nam
 
Thông qua hoạt động, công tác của ngành y tế, người dân đánh giá sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sức khỏe mình và đánh giá tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa so với các chế độ xã hội khác; hay nói cách khác, ở một chừng mực nào đó, niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta được xây dựng trên cơ sở đánh giá cung cách làm việc và tinh thần thái độ phục vụ của các cán bộ y tế.

Ngày thầy thuốc Việt Nam luôn là ngày trọng đại và nhiều ý nghĩa đối với mỗi cán bộ ngành y tế. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sâu sắc và vẫn mang đầy tính thời sự trong giai đoạn hiện nay. Tự hào về những truyền thống vẻ vang của ngành y tế, ý thức về trách nhiệm lớn lao mà Bác Hồ đã dạy, Đảng và nhân dân giao phó, ngành y tế Tiền Giang sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vượt qua mọi khó khăn, những trở ngại đời thường, giữ gìn hình ảnh người thầy thuốc trong sáng, đáng kính trong lòng mọi người; đồng thời phấn đấu học tập và rèn luyện về mọi mặt để đáp ứng kịp thời và đầy đủ yêu cầu đặt ra ngày càng cao của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

BS CKII Trần Thanh Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập225
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm166
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,655,232
  • Tổng lượt truy cập40,024,608
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây