Tính đến ngày 20-9 qua đánh giá nguy cơ theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế thì trên địa bàn tỉnh không còn đơn vị cấp huyện có nguy cơ rất cao, 7 huyện trạng thái bình thường mới, 1 huyện trạng thái nguy cơ, 3 huyện có nguy cơ cao (Thành phố Mỹ Tho, Châu Thành, Chợ Gạo); đối với đơn vị cấp xã có 8 xã nguy cơ rất cao, 17 nguy cơ cao, 17 nguy cơ, 130 bình thường mới. Như vậy, khả năng đến ngày 30/9/2021 Tiền Giang kiểm soát được dịch COVID-19 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Để đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh đến ngày 30/9/2021 và lộ trình từng bước vững chắc, an toàn, đưa Tiền Giang về trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, ngày 16/9/2021 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, phấn đấu đến ngày 30/9/2021 trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện đạt tất cả các tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục và phát triển kinh tế của tỉnh. Không có đơn vị cấp xã nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, 11 xã nguy cơ và 161 xã bình thường mới. Giảm còn 1 đơn vị cấp huyện nguy cơ và 10 đơn vị cấp huyện bình thường mới; giảm số ca mắc mới/ngày dưới 80 ca; tỷ lệ tiêm vắc xin dự kiến đạt 37,2% trên dân số từ 18 tuổi trở lên. Phấn đấu đến ngày 15/10/2021 với mục tiêu tất cả 11/11 đơn vị cấp huyện bình thường mới; hoặc còn tối thiểu 1 đơn vị cấp huyện nguy cơ; chỉ còn dưới 10 xã nguy cơ, còn lại là xã bình thường mới, tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 50% trở lên theo tuổi quy định.
Một số nội dung giải pháp trọng tâm trong Kế hoạch để thực hiện đạt các mục tiêu trên
1. Giải pháp quản lý địa bàn
Người dân “vùng xanh” được đi lại trong phạm vi các xã “vùng xanh”, kể cả các xã “vùng xanh” liên huyện. Nếu trường hợp thật cần thiết đi đến “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng vàng” thì khi trở về “vùng xanh” phải có giấy xác nhận test nhanh âm tính trong vòng 24 giờ và phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày.
Khi ra khỏi địa bàn tỉnh phải có giấy xác nhận của Chủ tịch UBND các cấp; khi trở về địa phương (kể cả người dân ngoài tỉnh trở về) phải chấp hành nghiêm việc khai báo y tế ở các chốt cửa ngõ của tỉnh, có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Sars-CoV-2 được thực hiện trong vòng 48 giờ, khai báo y tế và cách ly y tế tập trung 14 ngày, được lấy mẫu xét nghiệm Sars-CoV-2.
2. Giải pháp quản lý đối tượng nguy cơ
Người về Tiền Giang phải có kết quả xét nghiệm Sars-CoV-2 âm tính trong vòng 48 giờ, phải thực hiện khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày và được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCT ngày 1, ngày 7, ngày 14. Đối với trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì phải khai báo y tế và cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày và được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCT ngày 1, ngày 7.
Đối với tài xế và người đi cùng phương tiện: thực hiện nghiêm các quy định của UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải về việc quản lý vận tải, vận chuyển hàng hóa, vật tư, nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19; tăng tần suất xét nghiệm theo quy định cho từng đối tượng.
Đối với người làm việc trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, tạp hóa, dịch vụ ăn uống, người làm việc tại các vựa hàng hóa, nông sản, cảng cá, nông trại quy mô nhỏ: thực hiện đúng quy định 5K và sử dụng tấm chắn giọt bắn; tăng tần suất xét nghiệm theo quy định cho từng đối tượng.
Đối với công nhân trong và ngoài khu, cụm công nghiệp: Các doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo Quy định; tăng cường xét nghiệm tầm soát theo tần suất quy định cho từng đối tượng.
3. Giải pháp xét nghiệm tầm soát
Tăng tần suất xét nghiệm đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện F0, tránh nguy cơ tạo thành ổ dịch. Đồng thời tiếp tục xây dựng kế hoạch xét nghiệm tầm soát cộng đồng.
4. Giải pháp về công tác tiêm chủng
Tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin theo hình thức cuốn chiếu tất cả các địa bàn, bắt đầu từ địa bàn huyện “nguy cơ cao”, sau đó đến các địa bàn “nguy cơ” và cuối cùng là các địa bàn “bình thường mới”…
5. Giải pháp tổ chức cách ly, quản lý người nhiễm và điều trị bệnh nhân COVID-19
Tổ chức cách ly F1: tăng cường kiểm soát việc thực hiện cách ly F1 tại nhà nhằm đảm bảo tránh việc lây nhiễm chéo giữa các thành viên trong gia đình và các nhà lân cận.
Quản lý người nhiễm và điều trị bệnh nhân COVID-19: thành lập các Trạm Y tế lưu động để hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công.
6. Giải pháp công tác phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh”; hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.