Tạo bước phát triển mới cho du lịch Tiền Giang

Thứ tư - 22/10/2014 02:35
Với lợi thế cửa ngõ của miền Tây Nam bộ, được thiên nhiên ưu đãi là nơi hội tụ ba vùng sinh thái rõ rệt: nước ngọt phù sa, rừng ngập mặn và vùng sinh thái Đồng Tháp Mười, Tiền Giang đẩy mạnh việc tập trung đầu tư phát triển du lịch bằng cách nhân rộng các tour du lịch chuyên đề, sinh thái, gắn kết nhà vườn với các khu di tích văn hóa, kết hợp lễ hội với nghỉ dưỡng nhằm tạo nét đặc thù để tạo bước đột phá phát triển du lịch.
Bến đò du lịch huyện Cái Bè điểm đưa, rước du khách tham quan
Bến đò du lịch huyện Cái Bè điểm đưa, rước du khách tham quan
KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Tận dụng điều kiện tự nhiên, những năm gần đây ngành du lịch Tiền Giang không ngừng tạo bước phát triển mới, phù hợp với thiên nhiên để hấp dẫn du khách. Điển hình như các tour tham quan vườn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành), thanh long (Chợ Gạo), xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè), sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy), du lịch sinh thái biển ở Tân Thành (Gò Công), du thuyền trên sông Mekong, đi thuyền chèo trong kênh rạch, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, tham quan các làng nghề truyền thống, chợ nổi trên sông, thưởng thức trái cây đặc sản, các món món ăn địa phương, nghỉ đêm, trải nghiệm trong các ngôi nhà cổ… đồng thời gắn kết với các khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, khu di tích Óc Eo, Ấp Bắc… cùng với dịch vụ nghỉ tại nhà dân (homestay) đang là những tour lý tưởng thu hút khách đến Tiền Giang. Chính sự tận dụng và biết phát huy thế mạnh của địa phương nên lượng khách đến Tiền Giang luôn tăng, đặc biệt là khách quốc tế, tăng với tốc độ bình quân 10%, là một trong những tỉnh có tỷ lệ tăng cao trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2013, Tiền Giang đón nhận gần 1.300 nghìn lượt khách, trong đó có gần 600 nghìn lượt khách quốc tế.

Bên cạnh việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và lịch sử - văn hóa đã được đưa vào phục vụ khách du lịch, tỉnh còn đầu tư phát triển, mở rộng các khu, điểm du lịch như khu du lịch biển Tân Thành (Gò Công), khu du lịch miệt vườn cù lao Thới Sơn, Cái Bè… Đồng thời, xây dựng, nâng cấp các cơ sở lưu trú, phát triển phương tiện vận chuyển khách du lịch và phát triển nguồn nhân lực, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 43 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (có 16 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế); 643 phương tiện vận chuyển du lịch đường thủy, 234 cơ sở lưu trú gồm kkách sạn, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); cùng với nhiều điểm du lịch nhà vườn, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch hoạt động đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của khách.

Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích các chỉ số so sánh về doanh thu và lượng khách đến qua các năm so với tiềm năng du lịch phong phú của địa phương thì dễ dàng nhận thấy hiệu quả của việc khai thác nguồn thu của ngành chưa cao. Lý do là sản phẩm du lịch Tiền Giang còn quá đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi của du khách; chưa tạo được điều kiện hấp dẫn giữ chân du khách nhằm khai thác nguồn thu. Ngoài ra, một lý do nữa cũng cần đề cập, đó là lượng khách đến Tiền Giang tuy nhiều, nhưng đa phần là “ăn theo” các tour do các công ty lữ hành từ TP. Hồ Chí Minh điều phối, Tiền Giang chỉ hưởng phần “ngọn” và khách gần như không biết mua sắm, chi xài gì khi đến Tiền Giang nên hiệu quả rất hạn chế và không bền vững. Đây là bài toán nan giải nhiều năm qua mà ngành du lịch Tiền Giang đang nỗ lực tìm kiếm lời giải đáp.

HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Khai thác lợi thế về tiềm năng du lịch để phát triển, tạo thế bền vững là vấn đề đang được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng, tạo được bước đột phá phát triển du lịch sinh thái ở Tiền Giang, rất cần những giải pháp mang tính đồng bộ và khả thi như: có cơ chế và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án du lịch, nhất là đối với các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế cũng như nguồn lực trong nhân dân, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư du lịch; có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đến các khu du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm xây dựng sản phẩm và hình ảnh đặc trưng du lịch Tiền Giang; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng, nhất là các tỉnh cụm duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long) để xây dựng tuyến du lịch liên kết, phát triển sản phẩm đặc trưng dựa trên lợi thế về tài nguyên du lịch, văn hóa của mỗi địa phương, bảo tồn môi trường sinh thái và văn hóa, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh cho biết: Hướng phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2030 là ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang đặc trưng riêng có khả năng cạnh tranh cao và đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch, nhất là đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Dự kiến đến năm 2015, tỉnh sẽ đón gần 1.500 nghìn lượt khách, trong đó gần 700 nghìn lượt khách quốc tế và đến năm 2020 sẽ đón hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có gần một triệu khách quốc tế. Mặt khác, UBND tỉnh cũng đang xúc tiến mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch Tiền Giang, đồng thời ban hành chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ đào tạo nghề…, để các doanh nghiệp tiếp cận cơ hội đầu tư sáu dự án, với tổng vốn đầu tư trên 2.400 tỷ đồng, gồm: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng (11 ha); Khu du lịch thể thao dưới nước (7,5 ha); Khu đón tiếp du lịch đường bộ (2,7 ha) thuộc cù lao Thới Sơn - TP. Mỹ Tho; Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, diện tích 107 ha; Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành - Hàng Dương, diện tích 64 ha, và Khu du lịch sinh thái Cồn Ngang, huyện Tân Phú Đông, diện tích 150,70 ha.

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách đến tham quan, du lịch không ngừng gia tăng, “Tiền Giang đang thực hiện chiến lược định vị sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn và gắn kết với cộng đồng, dựa trên những lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý và nguồn tài nguyên du lịch nổi trội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, mang thương hiệu riêng và hạn chế sự trùng lắp với các địa phương trong vùng”- Giám đốc Nguyễn Ngọc Minh khẳng định. 

Tấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập857
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm836
  • Hôm nay59,860
  • Tháng hiện tại1,192,507
  • Tổng lượt truy cập34,778,152
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây