Hội thảo khoa học về “Giá trị văn học trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh”

Thứ năm - 27/08/2015 21:35

Tiến sĩ Trần Thế Ngọc - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội thảo

Tiến sĩ Trần Thế Ngọc - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội thảo
Ngày 27/8/2015, Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức hội thảo khoa học về “Giá trị văn học trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh”. Tham dự có Tiến sĩ Trần Thế Ngọc - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn học, nhà lý luận phê bình, giảng viên chuyên ngành văn học từ các trường đại học trong và ngoài tỉnh.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 26 bài tham luận của 19 tác giả. Các bài tham luận tập trung làm rõ những giá trị văn học trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung (1885 - 1958), tự là Biểu Chánh, có bút hiệu là Thứ Tiên, người làng Bình Thành, tỉnh Gò Công, nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Trong các tác phẩm của mình, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh luôn đứng về phía người nghèo khổ, yếu thế để bênh vực họ. Ông luôn đề cao chữ “đạo lý”, chữ “nhân đạo”, vì thế mà tác phẩm của ông đậm tính nhân văn. Ở thế hệ ông, ông là người viết nhiều, với nhiều thể loại khác nhau, như hài kịch, hát bội, cải lương, khảo cứu, tùy bút, phê bình, văn vần, ký ức, diễn văn, dịch thuật, truyện ngắn, đoản thiên, nhiều nhất là tiểu thuyết với 64 tác phẩm.

Tại buổi hội thảo, các nhà nghiên cứu đã phân tích, đánh giá những đóng góp to lớn của Hồ Biểu Chánh vào kho tàng văn chương Việt Nam của thế kỷ XX.

Nói về sự đóng góp của nhà văn Hồ Biểu Chánh trong buổi bình minh của tiểu thuyết Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Văn Nhơn (Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Trong các nhà văn quốc ngữ tiên phong của Việt Nam, có lẽ không có nhà văn nào có quá trình sáng tác đồng hành gần như sát sao với sự hình thành và phát triển của văn học quốc ngữ Việt Nam như Hồ Biểu Chánh”. Thạc sĩ Nguyễn Bá Long (Trường CĐSP Kiên Giang) khẳng định: “Trong số những cây bút khai mở trên địa hạt tiểu thuyết đầu thế kỷ XX, Hồ Biểu Chánh là nhà văn tiêu biểu và sung sức nhất... Tuy văn Hồ Biểu Chánh vẫn còn những hạn chế nhất định… nhưng không thể phủ nhận vai trò tiên phong, có đóng góp không nhỏ của Hồ Biểu Chánh đối với tiến trình hiện đại hóa văn xuôi quốc ngữ, nhất là ở thể loại tiểu thuyết”.
 


Tiến sĩ Trương Minh Nhựt - Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu 
 
Bài tham luận của các nhà nghiên cứu phân tích về sự ra đời của tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ, Nam kỳ là nơi sinh thành nền tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam. Hồ Biểu Chánh là một trong những nhà văn tiên phong, mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Về giá trị văn học của các tác phẩm bằng chữ quốc ngữ của Hồ Biểu Chánh trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, Thạc sĩ Nguyễn Bá Long đưa ra nhận xét: Điểm nổi bật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là tính hồn nhiên, mộc mạc, gắn kết khó tách bạch giữa văn và đời; cách tân nhưng không chối bỏ truyền thống; thành công đáng ghi nhận của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không thể không nói đến hệ thống nhân vật.
 
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nở và Thạc sĩ Huỳnh Thị Lan Phương (Trường Đại học Cần Thơ) nhận xét: “Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không chỉ đậm tính hiện thực mà còn giàu giá trị văn hóa”. “Trong cái nhìn của Hồ Biểu Chánh, giao lưu văn hóa đang diễn ra phức tạp, mang đến nhiều kết quả không mong muốn, nhưng vẫn có nhiều điều tốt đẹp đáng được ghi nhận. Con người Nam bộ luôn chứng tỏ bản lĩnh của mình trước sự tấn công của cái mới từ bên ngoài. Họ đã tiếp nhận đúng mực và tiếp biến đầy sáng tạo các yếu tố ngoại lai. Vì thế, sự xuất hiện của văn hóa phương Tây trong đời sống của xã hội đương thời đã gắn liền với bao giá trị tích cực, mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp và được người Nam bộ không ngừng phát huy, ủng hộ... Hồ Biểu Chánh đã chứng minh, dù ta bị mất mát nhiều trong quá trình hội nhập, nhưng vẫn đủ bản lĩnh để bảo vệ những gì ta vốn có. Chất đề kháng tốt nhất để chống lại sự phá hủy các giá trị truyền thống là phải biết sống cho đúng đạo làm người, hướng thiện, trừng ác”.

Nhìn nhận đóng góp của Hồ Biểu Chánh, nhà văn Trần Thanh Giao viết: “Vì rốt cuộc văn chương là chuyện của cái đẹp, là chuyện của nhân nghĩa, của chân, thiện, mỹ... Với sự nghiệp sáng tác văn chương đồ sộ, chẳng những so với các cây bút thời đó mà ngay cả với thời nay, với nội dung, ý nghĩa, cốt truyện, nhân vật, kỹ thuật viết... riêng biệt, với những đóng góp to lớn vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai của văn chương Việt Nam, nhà văn Hồ Biểu Chánh cần được nhìn nhận là một nhà văn đặc sắc Nam bộ và một nhà văn của cả nước Việt Nam”.

Tại buổi hội thảo, các nhà nghiên cứu, phân tích sự đóng góp văn học của Hồ Biểu Chánh, nhìn nhận ông là một nhà văn đặc sắc Nam bộ, một nhà văn trong những nhà văn tiên phong của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, đánh giá cao sự đóng góp của Hồ Biểu Chánh cho văn học Việt Nam vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, trong đó nét nổi bật là ông đã đưa xã hội Nam bộ vào văn học một cách tự nhiên, đề cao đạo lý và những nét đẹp của truyền thống của dân tộc. Đó chính là những cống hiến của ông cho nền văn học nước nhà vào giai đoạn đầu của văn học quốc ngữ.

Tấn Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập257
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm185
  • Hôm nay44,614
  • Tháng hiện tại1,980,243
  • Tổng lượt truy cập40,349,619
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây