Đờn ca tài tử - Kho tàng âm nhạc quý báu của vùng đất Nam bộ

Thứ năm - 27/02/2014 03:15

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Sự tồn tại hàng thế kỷ nay và sức lan tỏa mãnh liệt của loại hình này “bám rễ” sâu trong đời sống văn hóa cộng đồng là minh chứng hùng hồn nhất, xứng tầm để tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. 

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử
Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử
Sức lan tỏa...

Tiền Giang là một trong những cái nôi của nhạc tài tử Nam bộ. Sau giai đoạn sáng tạo và cải tiến từ nền âm nhạc vùng sông Hương - núi Ngự, đờn ca tài tử ngày càng lan rộng trên khắp vùng. Số người biết đờn, biết ca ngày càng đông, nhất là ở thôn quê, với hình thức tao nhã, tri âm tri kỷ. Phong trào đờn ca tài tử đã nhanh chóng phát triển trên đất Tiền Giang với sức sống mãnh liệt. Và ngày nay, trải qua bao thăng trầm, đờn ca tài tử vẫn đường hoàng tồn tại.

Ở Nam bộ hiện có 21 tỉnh, thành có nghệ thuật đờn ca tài tử, hình thành 2.019 câu lạc bộ, có 2.850 nhạc cụ đang sử dụng trong các câu lạc bộ với 22.643 thành viên tài tử tham gia. Phong trào đang phát triển khá mạnh ở các tỉnh, thành như Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… Nhiều địa phương có 100% xã, ấp, khu dân cư hình thành câu lạc bộ đờn ca tài tử gắn với các ấp văn hóa, gia đình, nhà chùa nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, giao lưu văn nghệ trong dịp lễ, giỗ hoặc sau những ngày lao động vất vả. Riêng ở Cần Thơ, trong phong trào đờn ca tài tử, đội ngũ danh cầm chuyên nghiệp và không chuyên có đến gần trăm người. Còn danh ca, tài tử ca hình thành từ phong trào đờn ca tài tử thì không thể thống kê hết. Có rất nhiều gia đình cả nhà ba, bốn thế hệ đều là “tín đồ” của nghệ thuật đờn ca tài tử. Như gia đình nghệ nhân Ba Sở, 79 tuổi ở khu vực Tân An, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, Cần Thơ, cả nhà đều biết đờn hát tài tử. Và đặc biệt, vài năm gần đây, đờn ca tài tử vùng này hình thành hai nhóm, nhóm tài tử miền Đông và tài tử miền Tây. Mỗi nhóm cố gắng tranh đua cải soạn, sáng tác mới bài bản, giảng dạy truyền nghề âm nhạc tài tử theo cách riêng của mình. Nhờ vậy, kho tàng âm nhạc tài tử quý báu của Nam bộ hôm nay rất phong phú về bài bản, đa dạng về hơi điệu. Tính đến nay, bài bản tài tử đã có đến hàng trăm; hệ thống lại, người ta đều nhất trí chọn 20 bài gọi là “Nhị thập huyền tổ bản”, là tinh hoa của nền âm nhạc tài tử Nam bộ.

Góp phần nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng

Không còn nghi ngờ gì nữa, đờn ca tài tử là hoạt động đặc trưng thể hiện bản sắc riêng của Nam bộ và có nhiều đóng góp cho đời sống văn hóa cộng đồng. Đờn ca tài tử được con người Nam bộ đối xử không chỉ cho vơi sầu hoặc chung vui lúc nông nhàn, trăng thanh, bên lễ hội, ngày giỗ, ngày cưới, mà đó còn là dịp để ôn lại truyền thống, giáo dục nhân cách con người. Đó là “Hận Cầu Hòa”, một nội dung được sáng tác nói lên cuộc thảm sát của bọn lính Lê Dương giết hại 286 gia đình trong một buổi sáng năm 1946 ở ấp Cầu Hòa, xã Phong Nẵm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Đó là tình vợ chồng cùng tiếng gợi nhớ quê hương trong tâm trạng vấn vương của bài hát Về Bạc Liêu của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, "Lòng đây thiết tha mong đợi xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. Hoài lang tiếng ca đang gọi ta quay về Bạc Liêu mến yêu",…

Tuy nhiên, những gì có được trong thực tế hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của loại hình nghệ thuật dân gian này. Theo ông Nguyễn Hùng Khu, Trưởng phòng nghiệp vụ tổng hợp Cục công tác phía Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đó là do công tác tổ chức, duy trì hoạt động của các đội (nhóm) đờn ca tài tử còn hạn chế; công tác sáng tác, phê bình lý luận về đờn ca tài tử chưa theo kịp với đòi hỏi cuộc sống đặt ra; việc truyền nghề, đào tạo tài tử ca và đờn, còn hạn chế, thiếu thường xuyên, thiếu kế hoạch, thiếu thầy và thiếu kinh phí; vẫn còn thiếu quan tâm, chưa lồng ghép tốt nội dung sinh hoạt đờn ca tài tử với các hoạt động văn hóa, sự kiện văn hoá trong khu vực; công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đờn ca tài tử còn biểu hiện chưa tốt, còn bị biến tướng; việc đầu tư nghiên cứu, khảo sát để có cơ sở định hướng hoạt động đờn ca tài tử chưa được quan tâm đúng mức; các chính sách, chế độ đối với đội ngũ nghệ nhân tham gia hoạt động đờn ca tài tử còn nhiều hạn chế, đời sống các nghệ nhân còn nhiều khó khăn; việc tổ chức các cuộc liên hoan, giao lưu sinh hoạt đờn ca tài tử diễn ra không thường xuyên, nên việc trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các đội (nhóm) đờn ca tài tử, cũng như giữa tài tử ca và tài tử đờn còn hạn chế. Nhưng cội nguồn vẫn là công tác xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng phát triển không đồng đều; công tác phối hợp chỉ đạo giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và ban chỉ đạo, ban vận động giữa các địa phương chưa chặt chẽ; việc xây dựng quy ước, hương ước văn hóa vẫn còn hạn chế; cán bộ cơ sở vừa thiếu số lượng vừa yếu về nghiệp vụ; việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí mua sắm trang thiết bị, kinh phí cho tổ chức các hoạt động văn hóa rất hạn chế; nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến các hoạt động văn hóa đặc thù để góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cộng đồng; công tác sơ tổng kết, thi đua khen thưởng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức…

Vị trí của đờn ca tài tử trong việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng Nam bộ đã được xác định. Và sự kiện UNESCO chính thức vinh danh “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” là điều kiện thuận lợi để loại hình nghệ thuật này phát triển rộng khắp. 

 

Tấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập404
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm382
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,171,857
  • Tổng lượt truy cập34,757,502
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây