Trong thời gian qua, Hội Nông dân các cấp tích cực xây dựng và triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một cách nghiêm túc, sáng tạo, với nhiều cách làm mới. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ trong cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân được nâng lên với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đang được thực hiện sâu rộng, thực tâm và thực việc hơn. Đó là động lực rất lớn để tổ chức Hội thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ chính trị cũng như các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hội Nông dân các cấp đã quan tâm đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Để phát huy hội viên nông dân, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia vào đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn về những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân. Hội Nông dân tỉnh tổ chức triển khai lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), kết quả gần 500 lượt ý kiến tham gia, góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được các cấp Hội không ngừng quan tâm đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, bám sát thực tiễn, đời sống của người dân. Với hình thức tuyên truyền phong phú, hấp dẫn thông qua sinh hoạt chi Hội, tổ Hội, câu lạc bộ, các chương trình, dự án; trang thông tin điện tử, hoạt động văn nghệ, thể thao... tuyên truyền được 13.830 cuộc với 513.289 lượt hội viên tham gia.
Thực hiện Quyết định 218 -QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, các cấp hội đã tích cực tham mưu, đề xuất tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nông dân, Hội Nông dân tỉnh chủ trì tham mưu tổ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại với hơn 200 cán bộ, hội viên nông dân. Ngoài ra, các cấp hội đã phối hợp tổ chức trên 100 cuộc đối thoại người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với cán bộ, hội viên, nông dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn qua đó tạo sự đồng thuận của nông dân với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Hội Nông dân luôn quan tâm thực hiện tốt Quyết định 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa UBND các cấp với Hội Nông dân trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Hoạt động hòa giải, tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên nông dân được chú trọng; phối hợp ngành tư pháp tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nhiều hội viên tiếp cận pháp luật và trợ giúp pháp lý; các cấp hội tổ chức 248 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, 11 cuộc tư vấn trợ giúp pháp lý với 5.540 lượt hội viên dự. Hội Nông dân các cấp tham gia tốt việc tiếp công dân, hội viên nông dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân kịp thời nắm bắt tâm trang, tư tưởng của người dân. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được chính quyền các cấp quan tâm, định kỳ hàng tháng Hội Nông dân được Ủy ban nhân dân các cấp mời tham gia tiếp công dân nhất là các nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Năm 2023, các cấp Hội tổ chức vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân được 4,1 tỷ đồng (đạt 102%); Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực phối hợp, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống, con giống đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý cho hội viên nông dân trị giá hàng tỷ đồng, thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác trả chậm sau thu hoạch, cho các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; song song với việc ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân, tăng cường dịch vụ bảo quản nông sản sau thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của Hội Nông dân các cấp trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp Hội cần tập trung thực hiện tốt một số việc sau đây:
Một là, các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là người đứng đầu, xem việc thực hiện quy chế dân chủ là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên. Phát huy quyền làm chủ nhân dân; kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết tốt công tác khiếu nại, tố cáo của người dân.
Hai là, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở phải gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện dân chủ phải đi đôi với giữ gìn kỷ cương, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Ba là, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Tiến hành rà soát, bổ sung, xây dựng quy chế cụ thể; đồng thời, phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đoàn thể. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Bốn là, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đủ mạnh trong xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc, phân công trách nhiệm các thành viên; duy trì tốt chế độ sinh hoạt của Ban Chỉ đạo; làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ. Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ.