Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Gianghttps://tuyengiaotiengiang.vnpttiengiang.vn/uploads/screenshot_1_5.png
Thứ năm - 15/08/2024 07:55
Nhân kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2024), Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giới thiệu tài liệu tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn
Phần 1: NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VÀ THẮNG LỢI VĨ ĐẠI CỦA ĐẤT NƯỚC TA TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY
I- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cao trào cách mạng diễn ra trên khắp cả nước với khí thế sôi nổi.
Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật, cứu nước diễn ra mạnh mẽ. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vừa chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của Nhân dân; chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, thực hành sách lược khôn khéo, lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để đánh thực dân Pháp xâm lược, lúc thì hoà với Pháp để đuổi Tưởng, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo, tranh thủ thời gian để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi.
Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi này, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng miền Bắc theo con đường chủ nghĩa xã hội và tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước.
II- Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trải qua gần 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt với nhiều giai đoạn đối phó với các kế hoạch, chiến lược khác nhau của đế quốc Mỹ.
Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960: Đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ - Diệm đã tiến hành các chiến dịch đàn áp dã man các phong trào yêu nước, tiến bộ ở miền Nam, dìm cách mạng miền Nam trong biển máu. Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ cách mạng vững mạnh của cả nước; Hai là, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Thực hiện nhiệm vụ trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới; bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt. Trong bối cảnh đó, từ ngày 13 đến ngày 21/01/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã họp (mở rộng) và ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, theo đó đã định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến lên.
Giai đoạn từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965: Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Trên miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.
Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968: Trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.
Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973: Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”; liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đặc biệt là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh. Cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng diễn ra quyết liệt, chúng ta khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973.
Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Phong trào cách mạng phát triển mạnh trên khắp miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là trận quyết chiến, chiến lược vĩ đại của quân và dân ta, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam, đất nước ta sạch bóng quân xâm lược, non sông thống nhất.
Phần 2: THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC SAU 79 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1945 - 2024) VÀ SAU GẦN 40 NĂM ĐỔI MỚI
Sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm; Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát chỉ còn khoảng 4%/năm từ mức “phi mã” 3 con số của giai đoạn đầu đổi mới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 8 năm liên tiếp; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Từ nước thiếu hụt lương thực trầm trọng, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; năm 2023 xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia.
An ninh năng lượng, việc làm, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm. Bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát tốt; nợ công năm 2023 ở mức khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều giới hạn quy định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; năm 2023, tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn khoảng 12%. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài; năm 2023 thu hút được trên 39,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI; lũy kế đến nay có 40,8 nghìn dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất, nằm trong chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel, Apple, GE, Foxconn… Khu vực tư nhân được khuyến khích phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế với khoảng 900nghìn doanh nghiệp hoạt động.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên nguồn lực và tập trung đầu tư, tạo đột phá cho phát triển, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông, hạ tầng giáo dục, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu; đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 2.000km đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 3.000km; đang triển khai mở rộng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng công suất khi hoàn thành toàn bộ lên đến 100 triệu hành khách/năm, tổng vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng và xây dựng các cảng biển mang tầm khu vực, quốc tế cùng với hệ thống giao thông thuỷ nội địa; đồng thời đang tích cực chuẩn bị xây dựng, phê duyệt chủ trương phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao cho giai đoạn 2025 - 2030.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, chúng ta đã luôn kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới; tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng; uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao. Đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30quốc gia, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20. Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Trong những năm gần đây, hầu hết nguyên thủ, lãnh đạo các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng, trong đó có Liên hợp quốc, đều đến thăm, làm việc và có ấn tượng tốt về đất nước, con người Việt Nam; đồng thời, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chuyến thăm thành công đến các nước, đối tác trên khắp các châu lục.Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài; năm 2023 thu hút được trên 39,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI; lũy kế đến nay có 40,8 nghìn dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỷ USD.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được chú trọng, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh, là động lực đột phá cho phát triển đất nước được phát huy mạnh mẽ, nhất là sau Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 với Bài phát biểu quan trọng mang tầm định hướng chiến lược sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó đồng chí đã nhấn mạnh lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đồng thời chỉ rõ “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Thực hiện quan điểm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận, đánh giá cao; đến nay, Việt Nam có 68 di sản, danh hiệu được UNESCO ghi danh. Các thiết chế văn hóa không ngừng được đổi mới về nội dung, nâng cao về chất lượng, hiệu quả hoạt động.