Có thể nói, công tác đoàn thể trong doanh nghiệp ngày càng thiết thực, phù hợp với tâm lí, nhu cầu của đoàn viên, hội viên, nhiều phong trào như: thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, văn nghệ, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường, hoạt động an sinh xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp, giáo dục thế hệ trẻ... đã được các tổ chức đoàn thể phát huy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực; chất lượng tập hợp lực lượng được tăng cường, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên được chăm lo, bảo vệ, công tác đoàn thể ngày càng khẳng định vai trò trong doanh nghiệp.
Hiện nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khối Doanh nghiệp có 29 cơ sở và 1.696 đoàn viên; Hội LHTN Việt Nam có 04 cơ sở với 610 hội viên; Hội CCB có 20 cơ sở với 338 hội viên. Qua 4 năm thực hiện (2011 - 2014), Đoàn khối đã thành lập mới 03, phát triển mới 1.224 đoàn viên (đạt 272%), phát triển 960 hội viên mới (đạt 120%), có trên 90% cơ sở đoàn hội xếp loại vững mạnh; Hội CCB khối phát triển mới 13 hội cơ sở, kết nạp 152 hội viên, hàng năm có trên 95% hội viên đạt danh hiệu hội viên gương mẫu, 98% hội viên đạt chuẩn gia đình văn hóa, 100% hội CCB cơ sở đạt trong sạch vững mạnh (36,87% xuất sắc).
Tuy nhiên, công tác đoàn thể trong khối Doanh nghiệp còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như là: việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác đoàn thể còn chưa kịp thời; chưa nắm bắt đầy đủ, thường xuyên tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, nhiều bức xúc chưa được giải quyết; một số phong trào của đoàn thể còn mang nặng tính hình thức, thụ động, chưa thiết thực; chưa tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác đoàn thể chưa được quan tâm làm tốt; nhiều cấp ủy chưa mạnh dạn đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp tạo điều kiện cho thành lập tổ chức đoàn thể tại đơn vị…
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, Đảng uỷ khối Doanh nghiệp đã đề ra 5 giải pháp trong công tác xây dựng đoàn thể ở doanh nghiệp như sau:
Giải pháp thứ nhất: Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đoàn thể. Gắn công tác giáo dục, bồi dưỡng đoàn viên, hội viên với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các hành động cụ thể, thiết thực phù hợp với điều kiện từng doanh nghiệp.
Giải pháp thứ hai: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác đoàn thể gắn với nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo công tác đoàn thể, đảm bảo vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện; tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của đoàn viên, hội viên, tôn trọng và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của tổ chức đoàn thể. Thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình cấp ủy, người phụ trách công tác đoàn thể. Quan tâm chính sách động viên vật chất, tinh thần đối với đội ngũ cán bộ đoàn thể ở doanh nghiệp. Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng trong đoàn viên, hội viên là công nhân; tăng cường phát triển đảng viên tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước; doanh nghiệp không có hoặc ít đảng viên để tạo nguồn thành lập tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng trong việc triển khai, thực hiện xây dựng đoàn thể trong doanh nghiệp. Định kỳ sơ kết đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm và bổ sung kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong lãnh đạo đoàn thể; làm tốt công tác thi đua khen thưởng hàng năm.
Giải pháp thứ ba: Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn thể trong doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, khuyến khích lao động sáng tạo trong đoàn viên, hội viên; tăng dần tỉ lệ cán bộ đoàn thể tham gia cấp ủy. Có cơ chế phát huy mạnh mẽ tiềm năng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đoàn thể vào sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất kinh doanh. Cử đoàn viên, hội viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, học tập ngắn hạn hoặc trung hạn, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề …
Giải pháp thứ tư: Lãnh đạo xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung sinh hoạt và phương thức hoạt động. Đa dạng hoá các mô hình sinh hoạt, phương thức tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, hội viên; tăng tỷ lệ và chất lượng tập hợp đoàn viên, hội viên; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sinh hoạt của tổ chức đoàn thể ngày càng có chiều sâu, đúng trọng tâm, trọng điểm bám sát các nội dung nhiệm vụ của chi, đảng bộ và điều kiện doanh nghiệp. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, ban lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể; định kỳ tổ chức đối thoại, trao đổi hoạt động giữa cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp với các tổ chức đoàn thể.
Giải pháp thứ năm: Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức đoàn thể; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức đoàn thể và đoàn viên, hội viên. Các cấp ủy Đảng và các tổ chức đoàn thể tích cực đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; tổ chức các phong trào thi đua thiết thực và hiệu quả trong lao động và sản xuất kinh doanh; đảm bảo kết hợp hài hòa lợi ích của đoàn viên, hội viên với lợi ích của doanh nghiệp, tạo môi trường lao động và sinh hoạt lành mạnh, tích cực cho đoàn viên, hội viên và người lao động. Tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ cho công tác đoàn thể, đặc biệt là nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp theo Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ; tạo môi trường thuận lợi để cho các tổ chức đoàn thể và đoàn viên, hội viên hoạt động, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và văn hóa tinh thần; đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, chung tay vì cuộc sống cộng đồng; phát huy tinh thần tương thân, tương ái giữa những đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp thuộc khối.