Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) thể hiện ý chí và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta

Thứ ba - 15/04/2014 22:29
Sau gần 11 tháng (02/01/2013) tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và triển khai tiếp nhận ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân; các chuyên gia, nhà khoa học, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã được hoàn thiện, tổng hợp tinh hoa trí tuệ, tâm huyết của toàn dân tộc.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp  nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Vào lúc 9 giờ 55 phút sáng 28/11/2013, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, với 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành, kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã chính thức thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thi hành Hiến pháp với 100% đại biểu tán thành. Ngày 2/12/2013, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua ngày 28/11/2013 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII và sáng ngày 8/12/2013, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 01-01-2014.
 
Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp. Ảnh: VOV
 
Hiến pháp (sửa đổi) - Văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế

Với bố cục 11 chương, 120 điều (giảm l chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013 thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Hiến pháp đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Đây là quan điểm nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp sửa đổi, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích, sức mạnh của quyền lực nhà nước ta là ở nhân dân, thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Theo đó Hiến pháp sửa đổi đã khẳng định ''Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân''. Ngay từ Lời nói đầu, Hiến pháp đã long trọng tuyên bố nhân dân Việt Nam là chủ thể ''xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này'', đến bổ sung đầy đủ các hình thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như trước đây mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, bằng quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam

Vai trò đó do lịch sử giao phó, nhân dân lựa chọn và được Hiến pháp xác nhận. Đồng thời, Hiến pháp làm rõ hơn và sâu sắc hơn bản chất tiên phong, bản chất nhân dân của Đảng và bổ sung một yêu cầu rất quan trọng của nhân dân đó là ''Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình''.

Hlến pháp khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, được Hiến pháp lần này bổ sung vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với tổ chức và hoạt động của nhà nước.

Những tư duy chính trị pháp lý mới này xuất phát từ nhận thức sâu sắc nguyên lý tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Sức mạnh của nhà nước dựa trên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là quy luật, là giá trị quý báu để tiếp tục đưa đất nước ta phát triển cùng với thời đại.

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp

Đó vừa là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo; vừa thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Hiến pháp đã khẳng định nguyên tắc Nhà nước ''công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội''; ''Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng''. Đây là những nguyên tắc căn bản nhằm đề cao trách nhiệm của nhà nước từ mối quan hệ với quyền con người, quyền công dân, phòng ngừa sự tùy tiện cắt xén, hạn chế, cho chỗ này, lấy lại ở chỗ khác từ phía các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người và công dân bảo vệ và thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình. Trên cơ sở của các nguyên tắc căn bản này, Hiến pháp đã quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có bổ sung một số quyền mới một cách chặt chẽ, chính xác, khả thi, phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà nước ta là thành viên.

Hiến pháp khẳng định quan điểm phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường

Các quy định về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường được Hiến pháp lần này thể chế hóa ở trong cùng một chương (chương III).

Các quy định trong chương này mang tính khái quát, ổn định về mục tiêu, định hướng và các chính sách cơ bản ở tầm Hiến pháp làm căn cứ pháp lý cao nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường.

Bảo vệ Tố quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng

Hiến pháp đã khẳng định bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, là nghĩa vụ thiêng liêng, là quyền cao quý của công dân. Nhà nước có trách nhiệm củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh để không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, góp phần gìn giữ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triến

Hiến pháp sửa đổi khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Hiến pháp sửa đổi khẳng định nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, dựa trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trên nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ thí thức; đồng thời bổ sung thêm một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Đó là: Quyền lực nhà nước là thống nhất không chỉ được phân công, phối hợp mà còn có sự kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là một nguyên tắc mới được bổ sung trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa. Nguyên tắc này là cơ sở hiến định để các cơ quan nhà nước về lập pháp, hành pháp và tư pháp phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được nhân dân giao cho mỗi quyền; hạn chế và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quyền lực nhà nước, phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời đây còn là cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước, bảo đảm cho quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân.

 Quy định về bộ máy nhà nước rõ hơn, minh bạch hơn

Bộ máy nhà nước trong Hiến pháp đã có những điều chỉnh để làm rõ hơn, minh bạch hơn, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của từng cơ quan, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp có hiệu lực hiệu quả. Trong đó:

Chính quyền địa phương: Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do luật định. Hiến pháp quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Hội đồng bầu cứ quốc gia và Kiểm toán nhà nước: Lần đầu tiên Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước được thể chế hóa trong Hiến pháp, với tư cách là các thiết chế hiến định được quy định trong một chương riêng của Hiến pháp. Đây là xu hướng lập hiến, pháp quyền hiện đại. Việc ra đời hai thiết chế này trong Hiến pháp là tiếp tục phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhà nước ta do nhân dân làm chủ, tạo điều kiện và cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong bầu cử và trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, Hội đồng bầu cử Quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đất nước.
 
Đ/c Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo
tại buổi triển khai thi hành Hiến pháp, ngày 15/4/2014. Ảnh: baoapbac.vn

 
Để triển khai thi hành Hiến pháp mới, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nhằm bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và chấp hành nghiêm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

T.H

Nguồn tin: Tổng hợp từ các nguồn Trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập304
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm256
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,651,851
  • Tổng lượt truy cập40,021,227
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây