Đề cương tuyên truyền tưởng niệm 150 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết

Thứ hai - 18/08/2014 05:11
Tưởng niệm 150 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20-8-1864 – 20-8-2014), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn đề cương tuyên truyền để phổ biến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. BBT xin trân trọng giới thiệu.

I. Mục đích, yêu cầu

- Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước của ông cha ta cho thế hệ hôm nay; từ đó xây dựng niềm tự hào, bồi dưỡng trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, anh dũng của ông cha trong sự nghiệp xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, no ấm, hạnh phúc, văn minh. Tổ chức tưởng niệm 150 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết là để hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đối với dân tộc, với đất nước và nhận thức sâu sắc thêm truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu ngoan cường chống ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta.

- Tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước Việt Nam sâu rộng trong quần chúng nhân dân nhân dịp tưởng niệm 150 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết. Qua đó, nhắc nhở mỗi công dân Việt Nam hôm nay nêu cao ý chí cách mạng tiến công, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh trong sáng, kiên trì học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của cách mạng và của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

II. Cuộc khởi nghĩa của Trương Định

Trương Định sinh năm 1820 tại thôn Tư Cung, phủ Bình Sơn, trấn Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) trong một gia đình quan chức yêu nước. Năm 1844, ông theo cha là Trương Cầm vào tỉnh Gia Định (cha ông vào để nhận chức Lãnh binh). Năm 1854, ông mộ dân lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công) để khai hoang vùng đất này.

Năm 1859, quân Pháp chiếm thành Gia Định. Với lòng yêu nước nồng nàn, ông chỉ huy dân quân đồn điền đánh Pháp ở mặt trận Thuận Kiều và lập được nhiều chiến công, tiêu biểu là trận phục kích tiêu diệt tên đại úy thủy quân lục chiến Barbé tại chùa Khải Tường vào đầu tháng 12-1860. Cuối tháng 2-1861, đại đồn Chí Hòa bị quân Pháp đánh chiếm; quân triều đình lui về giữ Biên Hòa còn ông rút về Gò Công, thành lập căn cứ kháng chiến ở Tân Hòa, tiếp tục công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trên vùng đất Gò Công, Trương Định chiêu mộ được 6.000 nghĩa sĩ nên được triều đình phong chức Quản cơ rồi thăng lên Phó Lãnh binh tỉnh Gia Định. Tại đây, ông ra sức củng cố căn cứ kháng chiến Tân Hòa. Mô tả căn cứ này, Palanca, viên sĩ quan chỉ huy quân Tây Ban Nha trong liên quân Pháp - Tây Ban Nha, đã viết: “Ở Gò Công, hai chiến lũy quan trọng nhất là rạch Gò Công và rạch Lá, gồm các hầm hào tự nhiên, pháo đài và lũy, khắp nơi đều có cầu nổi bắc qua hai bờ sông bùn lầy, cây cối rậm rạp”. Gò Công trở thành trung tâm kháng chiến chống Pháp mạnh nhất ở Nam kỳ ở nửa cuối thế kỷ XIX.

Trên thực địa, căn cứ Tân Hòa bao gồm một hệ thống đồn lũy và pháo đài liên hoàn với nhau: về phía tây, lên đến giồng Ông Huê (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây ngày nay) nhằm ngăn đường tiến quân của địch từ Mỹ Tho xuống; về phía tây bắc, có lũy Đồng Sơn nằm dọc theo rạch Lá (sông Tra) để kiểm soát con đường thủy từ Sài Gòn xuống qua sông Vàm Cỏ Tây; về phía đông nam, có các đồn lũy nằm dọc theo rạch Vàm Giồng, sông cửa Tiểu, xóm Trại cá Tăng Hòa và cù lao Lợi Quan nhằm đề phòng quân Pháp tấn công từ phía biển. Đại bản doanh của Trương Định được đặt tại giồng Sơn Quy. Ở đây, ông cho xây dựng chiến lũy Sơn Quy nằm dọc theo rạch Sơn Quy và chiến lũy Dung Giang nằm dọc theo rạch Đùn (giáp ranh giữa huyện Gò Công Tây và thị xã Gò Công hiện nay). Ngoài ra, Trương Định còn cho xây dựng đồn trại ở Gia Thuận, vốn là đồn điền do ông lập ra năm 1854. Với việc Trương Định xây dựng căn cứ Tân Hòa, Gò Công đã trở thành trung tâm kháng chiến đầu tiên ở Nam kỳ, quy tụ hầu hết các phong trào chống thực dân Pháp ở đây trong những năm 60 của thế kỷ XIX.

Cuộc khởi nghĩa Trương Định có sự liên kết chặt chẽ với nhiều cuộc khởi nghĩa khác, như khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực ở Tân An, Trần Xuân Hòa, Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân ở Ba Giồng,... Thực tế này được Nguyễn Thông ghi lại như sau: Khi Trương Định đóng giữ ở Tân Hòa, hội mọi người để bàn định kế hoạch... hào kiệt kéo đến như mây. Lực lượng nghĩa quân rất đông đảo, bao gồm nhiều thành phần khác nhau: ngoài binh lính đồn điền và nông dân ứng nghĩa chiếm số đông, còn có trí thức khoa bảng ở Gò Công và các vùng lân cận, như các vị cử nhân Bùi Tấn, Cù Khắc Kiệm, Lý Duy Phiên, Hà Mậu Đức,... các vị tú tài Nguyễn Văn Trung, Huỳnh Văn Đạt, Bùi Văn Lý, Mai Phương Mỹ, Nguyễn Duy Thận...; thân sĩ có Hồ Huân Nghiệp...; các vị nguyên là quan lại triều đình như Đỗ Quang, Đỗ Trình Thoại, Lưu Tấn Thiện, Nguyễn Tánh Thiện, Lê Quang Quyền, Đặng Văn Duy, Phạm Tiến...

Cuộc khởi nghĩa còn có sự tham gia tích cực của phụ nữ, như bà Viết, bà Lưu, nhất là bà Trần Thị Sanh - một người thuộc vào hàng Thích lý (bên ngoại) của vua Tự Đức và là vợ thứ hai của Trương Định - đã có những đóng góp quan trọng về mặt hậu cần cho cuộc khởi nghĩa của Trương Định. Đặc biệt, Nguyễn Đình Chiểu - nhà trí thức lớn ở Nam kỳ - đã có sự hợp tác chặt chẽ với Trương Định trong việc bàn bạc cơ mưu đánh giặc. Đó là sự phối hợp tốt đẹp, chặt chẽ giữa những vị anh hùng: người cầm bút, người cầm gươm trong cuộc chiến đấu cứu nước hào hùng của dân tộc. Cuộc khởi nghĩa của Trương Định có lực lượng tham gia đông đảo nhất là vì thế.

Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã liên tục tấn công quân địch khiến chúng phải rút khỏi Gò Công vào tháng 3-1862. Đến tháng 6-1862, sau khi ký hòa ước Nhâm Tuất năm 1862 nhường cho thực dân Pháp đảo Côn Lôn và 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ là Gia Định, Biên Hòa và Định Tường, triều đình nhà Nguyễn phong ông làm Lãnh binh tỉnh An Giang; đồng thời, buộc ông phải giải tán nghĩa quân và chấm dứt cuộc chiến đấu ở Gò Công. Thế nhưng, ông đã bất tuân lệnh của nhà vua, mà thuận theo lòng dân, ở lại Gò Công, được nhân dân suy tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến.

Từ căn cứ Gò Công, ông chỉ huy nghĩa quân tấn công địch ở khắp nơi và thu được những thắng lợi vang dội, nổi bật là cuộc tổng công kích nổ ra rất mãnh liệt trong tháng 12-1862, với các trận đánh vào đoàn tàu chiến của Pháp trên sông Vàm Cỏ (Trảng Bàng, Tây Ninh), các trận công đồn Rạch Tra, cách Sài Gòn 15 km, đồn Phước Hòa, đồn Rạch Kiến, đồn Bến Lức (tỉnh Long An), đồn Long Thành (tỉnh Đồng Nai), trận đánh pháo thuyền Alarme và khu pháo binh ven rạch Gò Công (tỉnh Tiền Giang),... Trước tình hình đó, đầu tháng 2-1863, thực dân Pháp huy động lực lượng hùng hậu tấn công căn cứ Gò Công. Đích thân Đô đốc Bonard - Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam kỳ - xuống Gò Công vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy cuộc đàn áp. Viên đô đốc này còn hứa thưởng 10.000 francs cho kẻ nào giết chết hoặc có thông tin chính xác về nơi Trương Định đang trú ngụ. Quyết chiến đấu đến cùng, ông bình tĩnh và mưu trí chỉ huy nghĩa quân kiên cường đánh trả các cuộc tấn công của địch, gây cho quân Pháp những thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, do quân đông lại được liên tục bổ sung quân số và vũ khí, nên quân Pháp đã phá vỡ được căn cứ Tân Hòa của nghĩa quân.

Để tiếp tục cuộc chiến đấu, ông rút quân qua Lý Nhơn (nay thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh), lập căn cứ mới. Tại đây, ông chia nghĩa quân thành nhiều toán nhỏ và rải ra hoạt động ở nhiều nơi nhằm cơ động đánh địch, phá kế hoạch phân tán lực lượng để giữ đất của quân Pháp; đồng thời, giải quyết khó khăn về lương thực cho nghĩa quân; thông qua đó, tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ cuộc kháng chiến cũng như bảo toàn và gầy dựng lại lực lượng nghĩa quân tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Pháp lâu dài.       

Ngày 25-9-1863, quân Pháp mở cuộc đột kích vào căn cứ Lý Nhơn. Nghĩa quân phá vòng vây, trở về vùng đất Gò Công và chọn khu vực đám lá tối trời ở hai làng Tân Phước và Kiểng Phước làm nơi ẩn náu, chờ thời cơ tiếp tục tiến công quân Pháp. Ngày 20-8-1864, do có chỉ điểm, tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp là Huỳnh Công Tấn dẫn quân tấn công nơi ở của ông. Sau một trận giáp chiến quyết liệt, ông thoát được ra ngoài; nhưng bị địch bắn theo và bị thương rất nặng. Không để rơi vào tay giặc, ông rút gươm tuẫn tiết. Năm đó, ông mới 44 tuổi. Sự hy sinh của Trương Định là tổn thất lớn đối với phong trào kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và nhân dân Nam kỳ.    

Sau khi ông mất, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã làm bài văn tế và mười hai bài thơ điếu Trương Định, ca ngợi cuộc đời chiến đấu hào hùng và cái chết lẫm liệt của ông. Hiện nay, ngoài lăng mộ và đền thờ chính tọa lạc tại thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), chính quyền và nhân dân ở nhiều nơi, như Gia Thuận, Tân Phước, Tân Tây, Tân Hòa (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), Bửu Hòa, Phước Hòa (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi),… đã xây đền thờ và miếu thờ ông.

III. Ý nghĩa lịch sử

Khởi nghĩa Trương Định là cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất, có ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn trong giai đoạn đầu của phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân Nam kỳ ở nửa cuối thế kỷ XIX. Tuy cuộc khởi nghĩa tồn tại không lâu (1859-1864) nhưng đã để lại nhiều bài học quí báu về sự quy tụ toàn dân đồng tâm hiệp lực cứu nước, về ý chí chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập686
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm662
  • Hôm nay46,410
  • Tháng hiện tại1,179,057
  • Tổng lượt truy cập34,764,702
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây