Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Thứ tư - 28/08/2013 21:48

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường mà Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn từ khi Đảng ta ra đời - năm 1930. Đây là một quan điểm kiên định, thống nhất xuyên suốt cả quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta.

Dù ngay cả trong lúc khó khăn khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu tan rã, sụp đổ, chủ nghĩa xã hội (CNXH) tạm thời đi vào thoái trào, nhưng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Đảng vẫn khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới hiện trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”. Quan điểm này vẫn được tiếp tục khẳng định ở các Văn kiện Đại hội Đảng khóa VIII: “loài người vẫn đang trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội” và khóa IX: “Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”.

Đây là sự lựa chọn đúng đắn của đảng ta và dân tộc ta. Sự lựa chọn này xuất phát từ những cơ sở sau:

Về lý luận: khi cách mạng dân tộc giành được thắng lợi, chúng ta đứng trước sự lựa chọn giữa hai con đường: tư bản chủ nghĩa (TBCN) hay xã hội chủ nghĩa.

Đi theo con đường TBCN là trao quyền lực nhà nước cho một lực lượng thiểu số (giai cấp tư sản), tiếp tục duy trì chế độ xã hội áp bức, bóc lột của họ đối với đại đa số nhân dân lao động (giai cấp công nhân và nông dân); là phản bội lại giai cấp công nhân và nông dân, lực lượng chủ lực của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ; trái với xu hướng “cách mạng không ngừng”, xu hướng tất yếu của thời đại.

Đi lên CNXH là phù hợp với xu hướng tích cực của thời đại, tiếp tục phát huy thành quả của cách mạng, trao quyền lực nhà nước cho nhân dân lao động, xây dựng nhà nước dân chủ thực sự của dân, do dân, vì dân; xóa bỏ áp bức, bóc lột và bất công - khát vọng chính đáng cháy bỏng của nhân dân lao động. Mục tiêu của cách mạng XHCN là giải phóng con người, giải phóng xã hội, giành lấy chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động (lực lượng đa số trong xã hội); xóa bỏ chế độ người bóc lột người, đưa quần chúng nhân dân lao động từ địa vị nô lệ, làm thuê, bị áp bức bóc lột trở thành người làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội, sẽ tạo ra động lực to lớn của cách mạng. Hơn nữa cách mạng XHCN do giai cấp công nhân, một giai cấp mà “lợi ích thống nhất với lợi ích của toàn dân tộc trong mục tiêu chung” (Văn kiện Đại hội Đảng khóa IX), một giai cấp có đội quân tiên phong là Đảng Cộng sản được trang bị bởi học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin lãnh đạo là những đảm bảo cho cách mạng thắng lợi.

Thực tiễn ở Việt Nam: ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, phong trào Cần Vương do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo nhằm giành lại độc lập cho dân tộc, khôi phục chế độ phong kiến dù rất dũng cảm và kiên cường nhưng đã bị thất bại.

Với ảnh hưởng tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây mà trực tiếp là cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, nhiều nhà cách mạng Việt Nam như: Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học muốn giành độc lập cho dân tộc, đưa đất nước theo con đường TBCN, noi gương các nước phương Tây nhưng cuối cùng cũng đều bị thất bại. 

 Tuy nhiên, sự áp bức vô cùng tàn bạo của thực dân, đế quốc, phong kiến đối với nhân dân lao động, sự thất bại của những phong trào đấu tranh theo xu hướng phong kiến và tư sản lại là mảnh đất tốt để tuyên truyền tư tưởng cách mạng XHCN cho nhân dân như Bác Hồ đã khẳng định: “Sự tàn bạo của CNTB đã chuẩn bị đất rồi, CNXH chỉ còn làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.

Trên con đường tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã nhận thức được tính tất yếu lịch sử là: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”, do vậy, Người đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã thể hiện tính tất yếu là độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngay trong Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng đã khẳng định: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.

Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp lại trở lại xâm lược nước ta. Để huy động đầy đủ sức mạnh cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, chúng ta đã xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền hành, lực lượng đều ở nhân dân, làm cho nhân dân thực sự là chủ của đất nước. Nhà nước dân chủ nhân dân của ta đã từng bước xóa bỏ sở hữu địa chủ phong kiến, trao ruộng đất cho nông dân, tạo điều kiện cho công nhân làm chủ xí nghiêp. Do đó, ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đã quy tụ được sức mạnh của nhân dân lao động, giúp chúng ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu. Miền Bắc được giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên nửa nước còn lại.

Bằng thực tiễn xây dựng CNXH, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên nửa nước, miền Bắc đã có điều kiện huy động cao nhất sức người, sức của cùng với nhân dân miền Nam thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bằng chiến thắng cuối cùng: chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đảng ta vẫn kiên định với lập trường: độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội bởi lẽ, hiện nay, chủ nghĩa tư bản tuy có thay đổi hình thức áp bức, bóc lột nhưng vẫn không thay đổi bản chất, vẫn là nguyên nhân gây ra nghèo đói cho các nước chậm phát triển, vẫn là nguồn gốc gây ra những cuộc chiến tranh và tạo nên bao tai họa về văn hóa, xã hội, môi sinh… trên thế giới. Ngay trong các nước tư bản phát triển, tình trạng phân hóa giàu nghèo vẫn diễn ra rất gay gắt.

Thực tiễn trên thế giới: Nhiều nước sau khi giành được độc lập đưa đất nước đi theo con đường TBCN đang rơi vào tình trạng nghèo đói, khó khăn, chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, phe phái. Sự nghèo đói, chậm phát triển làm cho các nước đó không thể có độc lập thật sự.

Nhiều nước trước đây là chủ nghĩa xã hội, trong công cuộc cải tổ, cải cách đã mắc sai lầm cơ bản về đường lối cách mạng, thậm chí phản bội lại chủ nghĩa xã hội, muốn đưa đất nước đi theo con đường TBCN hay CNXH dân chủ với ảo tưởng mong chờ vào sự giúp đỡ của thế giới tư bản nhưng hiện nay đang rơi vào vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội, về con đường phát triển của đất nước; nhiều định hướng giá trị của xã hội bị đảo lộn; xung đột sắc tộc, tôn giáo, phe phái gia tăng; đời sống của người lao động ngày càng khó khăn, tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng làm cho vị thế của các nước đó trên trường quốc tế ngày càng giảm sút.

Việt Nam do giữ vững định hướng XHCN, thực hiện đổi mới đúng đắn “đổi mới nhưng không phải thay đổi mục tiêu XHCN mà là quan niệm đúng đắn hơn về CNXH và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp” (Văn kiện Đại hội Đảng khóa VIII), nên đã thu được những thắng lợi to lớn. Đất nước ta đã bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững, vị thế quốc tế ngày càng tăng.

Ngày nay, Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định đường lối cách mạng: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Chỉ có đi theo con đường này chúng ta mới có nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, mới đảm bảo được độc lập dân tộc thực sự, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của đất nước để hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả.

Bác Hồ đã dạy: “xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”, “không thể làm mau được mà phải làm dần dần”; “Việt Nam ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, công cuộc đổi mới xã hội cũ thành xã hội mới gian nan phức tạp hơn việc đánh giặc”. Tuy nhiên, với một Đảng Mác-Lênin chân chính, giàu kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng và đã tích lũy được kinh nghiệm bước đầu trong quá trình xây dựng CNXH; với một nhà nước của dân, do dân, vì dân; với một nhân dân giàu lòng yêu nước, cần cù sáng tạo trong lao động, kiên cường trong đấu tranh và với nhiều tiềm năng của đất nước chưa được khai thác, chúng ta càng tin tưởng chắc chắn rằng con đường mà Đảng, dân tộc ta đã lựa chọn là con đường đúng và dân tộc Việt Nam có đủ những điều kiện để tiếp tục vững bước trên con đường này đến đích cuối cùng.

Trương Ngọc Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 171 trong 46 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 46 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập546
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm511
  • Hôm nay44,077
  • Tháng hiện tại1,176,724
  • Tổng lượt truy cập34,762,369
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây