Chăm lo xây dựng giai cấp công nhân là nhiệm vụ bức thiết

Chủ nhật - 31/05/2015 11:17
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam luôn gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng trong tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì thế, văn kiện Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Theo bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), “những năm sắp tới, đối với nước ta sẽ là thời kỳ mà cả thời cơ và thách thức đều rất lớn”, cho nên “cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…”. Đó phải chăng là yêu cầu chính trị hết sức bức thiết về xây dựng giai cấp công nhân của nước ta ngày một vững mạnh, tiên phong, bản lĩnh và giác ngộ cách mạng cao, để Đảng chọn lựa những lực lượng ưu tú nhất, bổ sung vào lực lượng của Đảng, tham gia lãnh đạo xã hội và xây dựng Đảng ta thật sự là đạo đức, văn minh trong cương vị lãnh đạo toàn diện đất nước ta như Hiến pháp năm 2013 khẳng định?

Công nhân đang làm việc tại Công ty cổ phần May Tiền Tiến. Ảnh: baoapbac.vn
 
Ngày nay, kinh tế tri thức ngày càng phát triển đã làm thay đổi định hướng phát triển kinh tế của đất nước nói chung, kinh tế doanh nghiệp nói riêng từ việc hoạt động chỉ vì lợi ích kinh tế chuyển sang định hướng phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường theo hướng bền vững. Theo đó, khoảng cách giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa lao động sản xuất trực tiếp với lao động lãnh đạo quản lý được giảm dần và đội ngũ công nhân thực sự đang vươn lên trở thành giai cấp vô sản trí thức hay công nhân trí thức hóa.

Đề cập đến vấn đề này, chúng ta hãy nhìn vào thực trạng đội ngũ công nhân lao động trong nền kinh tế đất nước hiện nay, bên cạnh những mặt ưu điểm như số lượng đông, sức khỏe ngày càng tốt hơn, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần, hiểu biết pháp luật nhiều hơn trước đây và đa phần công nhân lao động được tập hợp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam và một số hình thức đoàn thể thích hợp khác… thì vẫn còn những hạn chế như: không ít công nhân lao động chưa có tác phong công nghiệp tốt, trình độ tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ lệ chuyên gia kỹ thuật, công nhân lành nghề và cán bộ quản lý trẻ giỏi còn khiêm tốn, hiểu biết chính sách, pháp luật hạn chế, ý thức làm chủ tập thể chưa cao, địa vị chính trị vì thế chưa thể hiện đầy đủ, giác ngộ và bản lĩnh chính trị không đồng đều, cho nên, số công nhân thiết tha phấn đấu tham gia hoạt động đoàn thể chính trị - xã hội, phấn đấu vào Đảng chưa nhiều. Đó phải chăng là khó khăn, thách thức và hạn chế cần khắc phục đối với vai trò lãnh đạo xây dựng giai cấp công nhân của các cấp ủy Đảng hiện nay?

Về lực lượng, Đảng yêu cầu “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hoá đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề”. Về mặt kinh tế - xã hội, Đảng cũng chỉ đạo “gắn tiền lương của người lao động với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chăm lo bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện làm việc; hạn chế tai nạn lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật lao động, đưa việc thi hành pháp luật lao động vào nền nếp; xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hoà, tiến bộ”. Đảng ta còn xác định cần sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cải thiện điều kiện nhà ở, làm việc... để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân. Chúng ta có thể tìm thấy sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của Đảng và cả hệ thống chính trị dành cho giai cấp công nhân nước ta trong giai đoạn mới, không chỉ luôn được đề cập trong các văn kiện quan trọng của Đảng, mà còn lãnh đạo thực hiện trong thực tế.

Để củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phong phú, đa dạng, Đảng ta chỉ đạo đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hoá trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làm cho các giá trị văn hoá thấm sâu vào mọi mặt đời sống, được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hằng ngày của cộng đồng và từng con người, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại.

Khi đến doanh nghiệp, công nhân là lực lượng lao động công nghiệp chủ yếu; lúc về gia đình, họ là người công dân gắn bó với khu dân cư. Chính vì thế, tổ chức Công đoàn luôn cần phải phát huy vai trò nòng cốt tham gia thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, chăm lo xây dựng văn hóa và con người trong phát triển kinh tế, có nghĩa là thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong lao động, ý thức pháp luật và ý thức công dân cho công nhân lao động.

Như vậy, mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn cần quán triệt và thực hiện cụ thể hóa quan điểm, giải pháp chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo lĩnh vực đoàn thể, theo giai cấp mà mình quản lý. Có như vậy, Công đoàn mới tiếp tục nòng cốt tham gia thực hiện hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong bối cảnh mới.

Với yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ngày nay, không thể không đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, xây dựng và lãnh đạo thực hiện thắng lợi chiến lược con người, trong đó có chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là chính sách về giai cấp công nhân một cách căn bản, có tính toàn cầu hóa và tính bền vững để góp phần củng cố, nâng chất liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, cùng các tầng lớp xã hội khác, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò sứ mệnh lịch sử của mình gắn với góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh bằng những hoạt động chính trị - xã hội thiết thực, hiệu quả. Ngoài các hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho công nhân lao động như hàng năm, năm 2015 cần tập trung trí tuệ đóng góp văn kiện đại hội Đảng các cấp, củng cố tổ chức, phát triển công đoàn viên và tích cực bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp; đồng thời, mạnh dạn giới thiệu những cán bộ Công đoàn xuất sắc để tham gia bầu vào cấp ủy khóa mới, nhằm tăng cường tiếng nói của giai cấp công nhân trong Đảng.
 

Bùi Thái Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập456
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm392
  • Hôm nay55,260
  • Tháng hiện tại1,695,009
  • Tổng lượt truy cập40,064,385
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây