Tại buổi tuyên truyền, học sinh được nghe các bác sĩ Trung tâm nêu lên những đặc điểm sinh lý, sinh thái của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; đồng thời trình bày về nguyên nhân của bệnh, cách lây truyền và hướng dẫn một số cách phòng chống bệnh như: dùng thuốc xịt muỗi, nhang diệt muỗi, vợt muỗi bằng điện; thoa kem chống muỗi đốt, mặc quần áo dài tay đối với trẻ em, ngủ mùng kể cả ban ngày, sắp xếp quần áo, đồ vật trong nhà gọn gàng, ngăn nắp; thường xuyên cọ, súc rửa lu, khạp, chum vại…, dùng bàn chà chà sát để loại bỏ trứng muỗi bám vào thành dụng cụ; đậy nắp không cho muỗi vào đẻ trứng. Đối với những dụng cụ chứa nước lớn không thể súc rửa hoặc đậy nắp được ta có thể thả cá diệt lăng quăng, bọ gậy. Các dụng cụ khác: bát kê chân chạn, lọ hoa, chậu cây cảnh… thay nước ít nhất một lần trong một tuần, cho muối ăn vào bát kê chân chạn, cọ rửa thành của vật dụng để loại bỏ trứng; thu dọn rác, chai, lọ, bát, lu vỡ, vỏ hộp nhựa, lốp xe hỏng, vỏ gáo dừa…; dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà sạch sẽ.
Qua buổi tuyên truyền, mỗi em học sinh của nhà trường là một tuyên truyền viên tích cực trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng, nhà trường kêu gọi tất cả mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”.