Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là một sự kiện buổi đầu của thế kỷ XX nhưng âm hưởng của nó đã lan tỏa theo chiều dài của thế kỷ. Khi nói về Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột, trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu sắc như thế”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, XB 1996, tr 300).
Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã chuyển sang chủ nghĩa đế quốc. Các nước đế quốc tiến hành xâm chiếm hầu hết các nước nhỏ yếu trên thế giới và biến các nước này thành thuộc địa. Chủ nghĩa đế quốc đã thi nhau “hút máu” thuộc địa, làm cho các nước thuộc địa đầy rẫy áp bức, bất công và tủi nhục. Cùng thời điểm này, phong trào giải phóng dân tộc nổ ra nhưng đang gặp lúng túng, khó khăn, nhiều xu hướng, nhiều màu sắc đã xuất hiện. Tuy chiến đấu rất anh dũng, nhưng chưa có phong trào giải phóng dân tộc nào giành được thắng lợi.
Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Lênin đã đưa ra khẩu hiệu: “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”. Kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, đã có ảnh hưởng to lớn vào trào lưu cách mạng thế giới.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của Nhà nước Xô viết đã có tiếng vang lớn, ảnh hưởng vang dội đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức. Họ đã tìm thấy ở đó không chỉ sự cổ vũ mạnh mẽ mà còn là một kiểu mẫu, một con đường đi tới thắng lợi, nhất là sự kết hợp lần đầu tiên giữa giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức. Vì lẽ đó, cùng với những thảm họa khủng khiếp của cuộc chiến tranh thế giới, cao trào cách mạng đã dấy lên sôi nổi hầu như bao trùm khắp các nước châu Âu. Mít tinh, biểu tình, bãi công và cả khởi nghĩa vũ trang diễn ra liên tục ở các nước. Có nơi chế độ thống trị của tư bản - địa chủ bị chấn động dữ dội, bên bờ sụp đổ. Ở châu Á, phong trào giải phóng dân tộc cũng đã chuyển mình mạnh mẽ với những sự kiện điển hình như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Áp-ga-níx-tan… “Phương đông thức tỉnh” đã mang những sắc thái mới: chủ nghĩa Mác-Lênin được kết hợp với chủ nghĩa yêu nước ở nhiều nước. Cùng với châu Âu, sau đó ở châu Á các chính quyền Xô viết theo kiểu Nga đã được thành lập một số nơi như xô viết Quảng châu (1927); xô viết Nghệ - Tĩnh (1930) ở Việt Nam… Thành quả to lớn của các cao trào này dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các Đảng Cộng sản và Quốc tế Cộng sản III - bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và phong trào cách mạng thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã hình thành một thế giới mới, thế giới xã hội chủ nghĩa, đối lập thế giới tư bản chủ nghĩa. Sau đó 14 nước đế quốc bắt tay nhau để tập trung tiêu diệt một nước xã hội chủ nghĩa nhưng không thành, nước Nga xã hội chủ nghĩa vẫn đứng vững và phát triển kinh tế - xã hội có những mặt vượt trội so với các nước tư bản; nước Nga lúc này thật sự là biểu tượng, là hình ảnh đẹp cho phong trào cách mạng thế giới, nhất là các nước thuộc địa, lạc hậu. Năm 1939, với sự tồn tại và phát triển của nước Nga Xô viết, chủ nghĩa tư bản, đế quốc lại gây ra chiến tranh thế giới lần thứ hai nhằm chia lại thị trường thuộc địa của các nước tư bản, đồng thời tiêu diệt nước Nga xã hội chủ nghĩa. Chiến tranh thế giới kéo dài 6 năm nhưng kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, nước Nga xã hội chủ nghĩa không những không bị tiêu diệt mà chủ nghĩa xã hội từ một nước trở thành hệ thống; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt. Chủ nghĩa xã hội từ đó lan sang Trung Á, Trung - Đông Âu, sang châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga có tầm vóc vượt ra khỏi không gian và thời gian bởi những ý nghĩa thực sự sâu xa, tác động to lớn đến toàn cầu và toàn nhân loại. Không có thế lực nào có thể xóa bỏ, phủ nhận được những giá trị của cuộc Cách mạng Tháng Mười, bởi đó là sự thật lịch sử khách quan, là sức mạnh vật chất to lớn đã trở thành hiện thực, nó không còn là “bóng ma” theo những lời mỉa mai của giai cấp tư sản.
Mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện nay đã bị tan vỡ ở một bộ phận quan trọng, thế nhưng hiện nay ở các nước đó vẫn còn những lực lượng tiến bộ đang tìm tòi con đường phục hưng đất nước một cách thích hợp với tình hình mới. Vì vậy, phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới tuy ở vào tình trạng thoái trào, nhưng các Đảng Cộng sản và công nhân vẫn tồn tại. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đang ra sức cải cách, đổi mới và đã đạt được những thành tựu mới hết sức quan trọng và đang tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin một cách phù hợp trên một tầm cao mới của tư duy khoa học hiện đại.
Những kinh nghiệm thành công của Cách mạng Tháng Mười cũng như những kinh nghiệm rút ra từ sự sụp đổ của Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đều là những bài học vô giá cho phong trào cách mạng thế giới. Những kinh nghiệm và bài học đó đã và đang có ý nghĩa hết sức thời sự, rất bổ ích đối với các lực lượng cách mạng trên thế giới cũng như đối với sự nghiệp của cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển, tiến lên theo con đường hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội theo mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, định hướng xã hội chủ nghĩa.