Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mang tầm vóc thời đại sâu sắc

Thứ năm - 07/05/2015 04:41
Sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ tìm mọi cách thay thế thực dân Pháp ở miền Nam. Thực chất, Mỹ đã từng bước biến miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới ở Đông Nam Á. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống kiên cường, bất khuất mấy nghìn năm chống ngoại xâm của dân tộc được Đảng khơi dậy, tiếp tục thực hiện cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, với thắng lợi to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, buộc người lính Mỹ cuối cùng phải rời khỏi Việt Nam.

Chúng ta biết rằng, khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ mưu toan tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan tràn xuống Đông Nam Á. Bằng cuộc chiến tranh xâm lược này, Mỹ phô trương sức mạnh hòng đe dọa các dân tộc ở các lục địa Á, Phi, Mỹ La tinh đang nổi dậy giành độc lập, tự do. Chúng cũng mưu toan biến miền Nam làm căn cứ để tiến công miền Bắc, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Năm tổng thống Mỹ đã kế tiếp nhau để theo đuổi âm mưu ấy bằng con đường chiến tranh, ngoan cố bám lấy chính sách thực dân mới và lao vào những cuộc phiêu lưu quân sự, những cuộc leo thang chiến tranh, thực hiện âm mưu xâm lược của chúng.

Chiến tranh xâm lược Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ, chống chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc, nhằm tăng cường vị trí sen đầm quốc tế của Mỹ trên trường quốc tế. Đất nước ta trở thành nơi thử thách sức mạnh và uy tín của đế quốc Mỹ, là nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử to lớn.

Từ lâu, đế quốc Mỹ đã nhòm ngó nước ta, sau chiến tranh thế giới lần thứ II, chúng can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Sau thắng lợi to lớn của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ, đế quốc Mỹ tìm cách hất cẳng Pháp, không ký vào Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ, thiết lập ở miền Nam nước ta một chính quyền bù nhìn, độc tài, phát xít tàn bạo Ngô Đình Diệm. Chính quyền này đã thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng” và luật phát xít 10/1959, chúng thẳng tay đàn áp, gây ra những vụ tàn sát dã man, hòng tiêu diệt các lực lượng cách mạng và đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân ta.
 

Nhân dân Mỹ Tho nô nức chào mừng chiến thắng 30-4-1975. Ảnh tư liệu
 
Từ năm 1954 đến năm 1959, sau một thời gian khó khăn, thử thách, dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng cách mạng sang thế tiến công. Nhiều cuộc đồng khởi đã nổ ra và giành thắng lợi, mở ra những vùng rộng lớn thuộc đồng bằng Nam bộ và rừng núi Trung bộ. Những cuộc khởi nghĩa từng phần ấy đã phát triển nhanh chóng, nhất là từ sau chiến thắng Ấp Bắc, cách mạng miền Nam vừa đấu tranh quân sự, vừa đấu tranh chính trị, kết hợp đánh địch ở rừng núi và nông thôn đồng bằng với phong trào đấu tranh cách mạng ở thành thị, đẩy chế độ phát xít Ngô Đình Diệm đến sụp đổ, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Đứng trước nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền tay sai, cuối năm 1964 đầu năm 1965, chính quyền Giôxơn tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và gây ra chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Đảng ta liên tiếp mở các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 và 12. Hội nghị đã phân tích một cách khoa học so sánh lực lượng giữa ta và địch, khẳng định thất bại không thể tránh khỏi của đế quốc Mỹ, động viên lực lượng của cả nước giữ vững chiến lược tiến công, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh của mình và tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, kiên quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, được sự chi viện sức người, sức của của hậu phương miền Bắc, nhân dân miền Nam đã đánh những trận phủ đầu từ khi quân Mỹ đặt chân đến miền Nam. Mở đầu là trận Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Bầu Bàng, Đất Cuốc... và tiếp đó những chiến công vang dội khác đã lần lượt đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ ở miền Nam, giáng trả mãnh liệt những cuộc đánh phá bằng không quân và hải quân của chúng trên miền Bắc, sau đó Đảng ta quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân (1968) nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của giặc Mỹ. Với đòn tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ đó, đã làm đảo lộn chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và chấp nhận ngồi đàm phán với ta tại Hội nghị Pari.

Nhưng với bản chất tàn bạo và ngoan cố, đế quốc Mỹ không cam tâm chịu thất bại. Từ năm 1969, chúng chuyển sang thi hành “học thuyết Níchxơn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đồng thời tăng cường chiến tranh đặc biệt ở Lào, mở rộng chiến tranh sang Campuchia. Cuộc chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” vô cùng gay go và ác liệt, lúc này đòi hỏi sự cố gắng và quyết tâm cao của nhân dân hai miền.

Bởi vì trong thời gian này, Mỹ đã sử dụng tối đa sức mạnh về quân sự kết hợp với những thủ đoạn chính trị và ngoại giao rất xảo quyệt hòng giành lại thế mạnh, cô lập và bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Chống lại chiến lược chiến tranh này, quân và dân ta phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, giáng cho địch những đòn quyết liệt. Tiếp theo chiến thắng oanh liệt trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào, ta đã mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên khắp chiến trường miền Nam, giáng những đòn rất nặng vào quân đội Sài Gòn, làm thất bại một phần quan trọng trong chương trình bình định nông thôn của chúng. Phối hợp với miền Nam, quân dân miền Bắc đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của giặc Mỹ trên miền Bắc. Với thắng lợi này, buộc đế quốc Mỹ phải ký vào Hiệp định Pari về Việt Nam, chấm dứt những hành động quân sự, đơn phương rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi nước ta.

Hiệp định Pari được ký kết là một thắng lợi rất to lớn của nhân dân ta. Qua hiệp định này, Mỹ chính thức xác nhận thất bại quân sự đầu tiên trong thế kỷ XX. Đế quốc Mỹ buộc phải rút quân về nước, nhưng ngoan cố, mưu toan duy trì chế độ thực dân mới đã cùng ngụy quyền phá hoại hiệp định nhằm thực hiện dã tâm giữ cho được chế độ thực dân mới ở miền Nam bằng công thức: tiền, vũ khí trang bị của Mỹ cộng với bộ máy ngụy quyền, ngụy quân dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Thực hiện âm mưu này, Mỹ hòng đánh lừa dư luận nhân dân thế giới và lấy lòng nhân dân Mỹ rằng chiến tranh là của người Việt Nam với nhau.

Sau Hiệp định Pari, đánh giá đúng âm mưu của Mỹ và tay sai, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) nhận định: Bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng là con đường bạo lực cách mạng. Đảng ta nêu quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã diễn ra với nhịp độ “thần tốc”. Chỉ trong 55 ngày đêm với sức mạnh tổng hợp quân sự và chính trị của cả dân tộc, quân và dân ta đã mở ba chiến dịch với ba đoàn tiến công chiến lược: Đòn mở đầu là giải phóng Buôn Ma Thuột và giải phóng toàn bộ Tây Nguyên; đòn thứ hai giải phóng Huế, Đà Nẵng và quét sạch quân địch ở ven biển Trung bộ; đòn kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn - Gia Định và toàn Nam bộ. Đúng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, cờ chiến thắng đã được cắm và tung bay trên dinh Độc lập.

Trải qua hơn hai mươi năm chiến đấu, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới, với quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Với cuồng vọng nghiền nát lực lượng cách mạng miền Nam và “đẩy lùi miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, Mỹ đã tung vào nước ta một đội quân viễn chinh hơn 60 vạn tên gồm quân Mỹ và chư hầu làm nòng cốt cho hơn một triệu quân ngụy.

Bốn mươi năm đã đi qua kể từ ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhìn lại tính chất và quy mô của cuộc chiến tranh, thấy hết những lực lượng và phương tiện mà Mỹ đã huy động, động viên, những ý đồ mà Mỹ đã thú nhận, nhớ lại những tình huống cực kỳ phức tạp mà con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua, chúng ta càng thấy vĩ đại biết bao tầm vóc và ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đúng như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta là một “chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, tr.471)

Nguyễn Văn Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập809
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm788
  • Hôm nay57,233
  • Tháng hiện tại1,189,880
  • Tổng lượt truy cập34,775,525
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây